Đê vỡ liên tiếp ở ĐBSCL: Nhấn chìm hàng chục nghìn ha lúa

Thứ năm, ngày 29/09/2011 06:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khoảng 3 giờ 30 ngày 28.9, tuyến đê bao Cả Mũi ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đã bị vỡ khiến 500ha lúa thu đông bị nhấn chìm trong biển nước.
Bình luận 0

Nhiều tuyến đê khác bị vỡ đe doạ hàng chục nghìn ha lúa thu đông ở các tỉnh ĐBSCL...

Đê vỡ liên tiếp

Từ tối 27 đến sáng 28.9, hơn 600 người gồm lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, dân địa phương… tập trung gia cố đoạn đê ở ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng bị vỡ. Có trên 355ha lúa thu đông khoảng 30 ngày tuổi bị ngập.

img
Lực lượng bộ đội và người dân địa phương gia cố tuyến đê bao ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng.

Vừa gia cố xong thì Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) huyện Tân Hồng tiếp tục nhận tin xấu: Đê bao Cả Mũi thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A bị vỡ lúc 3 giờ 30 phút sáng 28.9. Gần 500ha lúa thu đông từ 35- 40 ngày tuổi đã bị nước lũ nhấn chìm. UBND huyện Tân Hồng đã huy động cấp tốc hàng nghìn người và nhiều phương tiện ứng cứu nhưng do nền đất mềm yếu, áp lực nước quá lớn nên việc gia cố bất thành.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Huyện ủy Tân Hồng cho biết: “Vỡ đê Cả Mũi đã làm 500ha lúa coi như mất trắng, đời sống của nhiều hộ dân trong các tuyến đê bao bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay trong sáng 28.9, Huyện ủy Tân Hồng có công văn khẩn gửi ngành chức năng cấp tỉnh và yêu cầu huyện tiếp tục huy động tổng lực mọi nguồn lực để cứu các tuyến đê trong toàn huyện”.

Còn ở An Giang, khoảng 22 giờ ngày 27.9, tuyến đê xung yếu bảo vệ 1.500ha lúa vụ 3 tại khu vực kênh 7, ấp Long Hưng, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú bị nước lũ làm vỡ. Chỉ trong tích tắc, nước đã ào ạt tràn vào cánh đồng vừa xuống giống vụ 3 gần một tháng. Hàng trăm người được huy động khẩn cấp dùng xáng cạp, máy Kobe và nhiều cừ tràm, bạch đàn, bao cát… để cứu đê, bảo vệ lúa. Đến sáng ngày 28.9, miệng đê bị vỡ mở rộng đến 35m, nước lũ vẫn cuồn cuộn tràn vào cánh đồng lúa…

Bên cạnh đó, nhiều ngày qua trên địa bàn An Giang, mưa liên tục trên diện rộng làm ngập 14.059ha lúa vừa mới sạ. Đồng thời, khoảng 500ha cũng cần giặm vá. Ước tổng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Hiện An Giang còn 70km đê xung yếu và khoảng 300km đê yếu cần khẩn cấp gia cố.

Đặc biệt, nhiều điểm đê đang bị rò rỉ, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn huyện An Phú, Tịnh Biên. Đồng thời trên toàn tỉnh còn nhiều đoạn đê xung yếu trên địa bàn huyện An Phú; đê Tha La ở thị xã Châu Đốc; đê xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành...

Nguy cơ đói cận kề

Huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã phát động toàn dân ủng hộ cừ tràm, cừ bạch đàn, vật tư, bao đất… khẩn trương gia cố hàng loạt tuyến đê xung yếu đang bị nước lũ uy hiếp dữ dội. Tình hình hiện nay hết sức cấp bách, mực nước ở Tân Hồng đã vượt mức 5,29m và tiếp tục lên cao, do đó hơn 8.000ha lúa thu đông có khả năng bị mất trắng bất cứ lúc nào.

Ở Đồng Tháp, người dân có ruộng trong đê bao bị mất trắng có nguy cơ bị đói. Ông Nguyễn Văn Luống có 17 công đất trong tuyến đê bao ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, ngậm ngùi: “Tui đầu tư hơn 20 triệu đồng để làm 17 công lúa vụ thu đông. Mấy bữa nay phải trực suốt ngày đêm để gia cố đê bao. Bây giờ tất cả đã tiêu tan, cả gia đình 6 miệng ăn có nguy cơ bị đói”.

Tuyến đê bao bị sạt lở dài gần 30m, nước chảy như thác, lực lượng cả ngàn người cũng bó tay với cơn thịnh nộ của lũ dữ. Ông Luống lặn lội xuống tận bờ đê bị vỡ kiểm tra, ruộng lúa gần trổ của ông đã chìm trong biển nước. Hàng trăm hộ dân khác ở địa phương cũng trong tình cảnh tương tự, như hộ ông Đặng Công Anh và ông Đặng Văn Chẩn đều có 7 công ruộng bị chìm trong biển nước. Những hộ dân này chỉ có kế sinh nhai duy nhất là ruộng lúa. Bây giờ nguy cơ đói đang rình rập.

Tại kênh Sa Rài - Bình Phú, sáng 28.9, nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh. Ông Lê Văn Dũng - có 3 công đất ở tuyến đê bao xã Tân Hội Cơ, huyện Tân Hồng, cho biết: “Nước đang lên từng ngày khiến 200ha lúa khu vực này có nguy cơ bị mất trắng. Tuy phải dời nhà từ phía dưới mé kênh lên tận bờ đê mà cũng chẳng được yên. Nếu vỡ đê là dân có nguy cơ bị đói liền”.

Báo cáo nhanh của UBND xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, toàn xã có khoảng 1.500ha lúa thu đông, tất cả đều bị lũ đe dọa nghiêm trọng. Đến nay, người dân đã đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Bà Nguyễn Thị Thành Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ lo âu: Thời gian chống lũ còn quá dài, trong khi lúa phải hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch. Xã có trên 30% hộ nghèo, nếu lỡ mất mùa lúa thì nguy cơ thiếu đói sẽ rất lớn.

Lũ lên nhanh tại đầu nguồn sông Cửu Long

Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong những ngày tới, do kết hợp giữa lũ thượng nguồn và triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh trong vài ngày đầu, sau đó lên chậm dần. Đến ngày 2.10, mực nước cao nhất trong ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,9m (cao hơn mức BĐ3 là 0,4m); trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,35m (trên mức BĐ3 là 0,35m), sau đó ít biến đổi.

Hà Tĩnh: Gần 1.900 hộ dân bị cô lập

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và hoàn lưu sau bão, những ngày qua trên địa bàn huyện Vũ Quang có mưa to. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB huyện Vũ Quang, đến ngày 28.9, mưa lũ đã làm cho 1.865 hộ dân ở các xã: Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú, Đức Hương, Đức Bồng và Hương Thọ bị cô lập. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập và chia cắt; riêng tuyến đường liên xã Ân Phú - Cửa Rào nhiều chỗ ngập sâu trên 1m.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem