Ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính... và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người mà dự thảo Luật Hộ tịch nêu ra được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao trong buổi thảo luận sáng 13.9.
Theo dự thảo luật, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là Sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch, nơi công dân đăng ký khai sinh. Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn...) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý Sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.
Công dân được giữ một Sổ hộ tịch cá nhân, được cấp khi đăng ký khai sinh theo quy định của dự luật này, có nội dung trùng khớp với Sổ hộ tịch. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình, người dân chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch cá nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đưa ra con số thống kê sơ bộ: Hiện tại người dân phải sử dụng hơn 10 cuốn sổ và giấy tờ khác nhau về nhân thân, nếu mỗi năm giảm đi một cuốn thì tốt cho người dân.
Một số ý kiến khác cho rằng xây dựng dự án Luật Hộ tịch quan trọng nhất là tạo sự thuận lợi cho sinh sống, làm việc của nhân dân chứ không phải để cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, thuận lợi hơn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần nhìn nhận cả các luật khác và nếu thấy không phù hợp thì bãi bỏ để cuối cùng công dân chỉ cần có 1 cuốn sổ.
Về việc làm loại sổ trên và việc cấp mã số định danh cá nhân, một số ý kiến cho rằng nếu đã làm thì phải làm cho tất cả 87 triệu dân để đồng bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lưu ý việc hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay chưa thể đảm bảo cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị khi điều kiện chưa chín muồi để thực hiện dự án này, cần hoàn thiện một bước việc ban hành, quản lý những giấy tờ hiện hành để làm cơ sở cho những đổi mới nói trên.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nếu dự án Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2015, những người sinh ra từ 0 giờ ngày 1.1.2015 sẽ có một cuốn sổ cùng một mã số duy nhất. Khi đó, mỗi công dân sẽ không cần phải có giấy khai sinh nữa.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.