Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ, người tiếc nuối

Gia Khiêm - Nguyễn Trang Thứ bảy, ngày 29/10/2022 16:46 PM (GMT+7)
Dọc hai bên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) có khoảng 80 cây hoa sữa cao hàng chục mét. Giữa thu, mùa hoa sữa nở rộ, mùi hoa xộc thẳng vào phòng ngủ khiến người dân rất khó chịu. Tuy nhiên, có người tỏ ra tiếc nuối trước đề xuất di dời 80 cây hoa sữa này.
Bình luận 0

Người tiếc nuối, người ủng hộ trước đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh

Mới đây, UBND quận Đống Đa đã đề xuất Sở Xây dựng Hà Nội phương án thay thế cây xanh khi chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Cụ thể, khoảng 80 cây hoa sữa cùng hàng chục cây lát hoa sẽ được chuyển đến công viên vườn hoa trên địa bàn, trồng thay thế bằng cây hoa ban. Mục đích là tạo điểm nhấn kiến trúc, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 1.

Hàng hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trong văn bản trả lời đầu tháng 10, Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa không dịch chuyển cây lát hoa để tránh lãng phí. Với cây hoa sữa, Sở lưu ý xem xét, đánh giá mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc. Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn có thể trồng tại vùng ảnh hưởng bán kính 500m ở khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Đường Nguyễn Chí Thanh dài 1,8km mà có tới khoảng 80 cây hoa sữa. Mật độ quá dày nên vào mùa nở hoa nhiều người sống quanh khu vực này rất khó chịu.

Khi nghe đề xuất này, bà Dương Thúy Vinh, sống tại tầng 2, chung cư 76 Nguyễn Chí Thanh cảm thấy rất phấn khởi, mừng ra mặt. Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Vinh cho biết, suốt hàng chục năm qua, gia đình luôn phải âm thầm chịu đựng mùi hoa sữa ngột ngạt mỗi dịp mùa hoa nở vào khoảng tháng 10 và 11 hàng năm.

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 2.

Không ít người dân than phiền hoa sữa khiến cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí phải đi thuê trọ chờ hết mùa hoa. Ảnh: Gia Khiêm

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 3.

Cảnh hoa sữa nở dày đặc. Ảnh: Gia Khiêm

"Hoa sữa nếu thoang thoảng sẽ dễ chịu, tuy nhiên với diện tích cây quá dày mùi nồng nặc. Mùi hoa sữa thực sự kinh khủng, gây nhức đầu", bà Vinh thở dài. Không chỉ đau đầu, choáng váng, người phụ nữ còn nổi phát ban do dị ứng với loài hoa này.

Ngoài ra, không những "đau đầu" vì mùi hoa sữa mà sau mỗi mùa hạt hoa sữa khô phát tán bay tứ tung khắp nhà. Mỗi hạt hoa sữa đều có những chùm lông nhỏ màu nâu nhạt ở hai đầu, có thể bay xa nhờ gió thổi, cũng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với những nhà dân cạnh cây hoa sữa.

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 4.

Mùi hoa sữa sộc vào nhà mỗi khi người dân sống ngay cạnh mở cửa. Ảnh: Gia Khiêm

"Có nhà hàng xóm bên cạnh mỗi mùa hoa sữa phải ra ngoài thuê trọ, hết mùa họ mới quay trở về do không chịu đựng nổi hương hoa nồng nàn. Còn riêng gia đình tôi cũng từng có ý định chuyển đến sống tại một căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm để tránh hoa sữa. Cuộc sống không khác gì trời hành vì hoa sữa", bà Vinh than thở.

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 5.

Anh Chính bày tỏ tiếc nuối nếu sắp tới đây hàng hoa sữa bị di dời. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng giống như gia đình bà Vinh, bà Thu (50 tuổi), hơn 10 năm bán nước dọc vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh than khổ mỗi khi hoa sữa vào mùa lại phải ngửi mùi hương "như bị tra tấn" và mang tâm lý hội chứng sợ hoa sữa. Bà Thu đề xuất sau khi di dời hàng cây, chính quyền có thể trồng thay thế hoa gạo hoặc phượng, vừa đẹp, vừa tạo bóng mát.

Khác với tâm trạng trên, anh Chính, sống ở tầng trên cho rằng việc di dời hàng cây hoa sữa là điều phí phạm. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh Chính lại có tình yêu da diết hoa sữa - mùi hương quen thuộc và đặc trưng của Thủ đô. Mỗi lần đi xa trở về góc phố quen, ngửi thấy mùi hoa thoang thoảng, anh lại tấm tắc: "Đúng là nhà mình rồi. Đúng là hương vị cảm giác gần gũi mà thân quen gắn liền với Hà Nội".

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 6.

Nhiều người sống ngay sát cạnh bày tỏ quan điểm bị mùi hoa sữa làm ảnh hưởng tới cuộc sống. Ảnh: Gia Khiêm

Theo anh Chính, số lượng hoa sữa ở Hà Nội hiện không nhiều, tập trung chủ yếu tại một số tuyến phố như: Duy Tân, Trung Kính, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Vũ Tông Phan,… Đặc biệt, giai đoạn hoa vào mùa và tỏa mùi thường rất ngắn, không quá ảnh hưởng đến cuộc sống "như nhiều người vẫn thường nói quá".

"Những hôm trời nắng, hoa nồng nàn nhưng cũng không kéo dài. Còn những ngày bình thường, mùi hương chỉ phảng phất", anh cho biết. 

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 7.

Chị Quỳnh (37 tuổi), 6 năm sống tại chung cư 76 Nguyễn Chí Thanh nhận xét hoa sữa có mùi thơm, thỉnh thoảng nồng nàn khiến người dân khó chịu nhưng không đến mức phải di dời. Ảnh: Gia Khiêm

Đứng từ góc cửa sổ nhìn ra hàng hoa sữa, người đàn ông bày tỏ tiếc nuối nếu sau này không còn bóng cây. "Tôi nghĩ chính quyền nên suy xét cẩn thận, giữ lại loài hoa vốn là đặc trưng và thân thương với người dân", anh nói.

Đồng quan điểm trên, chị Quỳnh (37 tuổi), 6 năm sống tại chung cư 76 Nguyễn Chí Thanh nhận xét hoa sữa có mùi thơm, thỉnh thoảng nồng nàn khiến người dân khó chịu nhưng không đến mức phải di dời. "Hoa sữa ghé vào góc ban công, thơm nhẹ nhàng, không quá nồng nàn như hồi trước tôi sống ở phố Nguyên Hồng", chị nói.

Tại sao nhiều người đau đầu, chóng mặt khi ngửi mùi hoa sữa?

Trước ý kiến vì sao loài hoa đặc trưng của mùa thu lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi khiến họ cảm thấy đau đầu, khó chịu thậm chí chóng mặt và buồn nôn, TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng chia sẻ.

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh: Người ủng hộ 2 tay, người tiếc nuối - Ảnh 8.

Bác sĩ cho biết, phấn hoa sữa dễ gây bệnh dị ứng. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Khánh, hoa sữa là nét đặc trưng không thể thiếu của mùa thu Hà Nội. Mùa hoa nở rộ vào khoảng tháng 9, 10, 11. Tuy nhiên loài hoa nồng nàn này cũng mang đến một số phiền toái. Một số người khi hít phải phấn hoa sữa xuất hiện tình trạng khó thở, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi thành tràng. Đây chính là tình trạng dị ứng với phấn hoa của cây hoa sữa.

Lý giải lý do ngửi loài hoa này lại có thể gây dị ứng, TS.BS Bùi Văn Khánh cho biết, thực chất, mùi của loài hoa này không phải yếu tố gây dị ứng. Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, là một loại cây thụ phấn nhờ gió. Bởi vậy, hoa sữa thường mọc ở đầu cành thành các chùm lớn và mang nhiều hạt phấn. Hạt phấn của cây hoa sữa là một chất lạ với cơ thể và gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm. 

"Phấn hoa sữa mới chính là nguyên nhân gây lên bệnh dị ứng. Khi hít phải các hạt phấn này, tại mũi, họng, mắt của người bệnh sẽ sinh ra các phản ứng viêm, dị ứng gây xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng", bác sĩ cho biết. 

Cũng theo bác sĩ Khánh, đa số người bị dị ứng hoa sữa thường gặp các triệu chứng như hắt hơi thành tràng dài, ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nhiều dịch mũi, ngạt mũi… Đây là biểu hiện của viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng theo mùa. 

Mặc dù các triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến tính mạng, người bệnh thường gặp nhiều sự khó chịu và ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. 

Khi số lượng phấn hoa bạn hít phải càng nhiều thì các biểu hiện dị ứng càng trầm trọng hơn. Một số người dị ứng nặng có thể xuất hiện khó thở và cần được can thiệp y tế, đặc biệt ở những người có tiền sử hen phế quản dị ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem