Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

PVKT Thứ hai, ngày 08/06/2020 17:30 PM (GMT+7)
Thực hiện phương án giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít, xuống còn 2.100 đồng/lít (đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường).
Bình luận 0

Ngày 8/6, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Đây là một trong những đề xuất giảm thuế của cơ quan quản lý tài khóa thực hiện theo Nghị quyết 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đối tượng được hướng tới tháo gỡ khó khăn là các doanh nghiệp trong ngành hàng không bị tác động lớn của đại dịch.

Theo dự án này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Thực hiện phương án giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít, xuống còn 2.100 đồng/lít (đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường).

Theo tính toán, số giảm thu ngân sách ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng. 

Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay - Ảnh 1.

Các hãng hàng không là nhóm doanh nghiệp được tác động trực tiếp nếu Nghị quyết giảm thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được thông qua.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nghị quyết này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Từ 1/1/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định hiện tại. Để nghị quyết sớm được trình vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu có ý kiến góp ý trước ngày 10/6.

Đánh giá tác động của dự án, cơ quan soạn thảo cho biết, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch. Số lượng hành khách trong nước cũng như quốc tế sử dụng phương tiện vận tải hàng không là không nhiều. Trong khi, các hãng hàng không vẫn phải duy trì các chi phí như hệ thống, duy trì đội bay...

Do đó, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn, có thể góp phần để doanh nghiệp giảm giá các dịch vụ hàng không, từ đó góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không; góp phần tăng số lượng khách, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh cho ngành hàng không; góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động. Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khung hoảng và phát triển thì có thể lượng lao động trong ngành hàng không sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể đến số lượng việc làm trong ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục, phát triển của ngành hàng không dựa trên nhiều yếu tố khác như mức độ công nghệ, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp, …

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem