Đề xuất khôi phục lễ phát ấn đền Trần vào nửa đêm

Thứ sáu, ngày 18/01/2019 22:05 PM (GMT+7)
Trước mong muốn của các cụ già ở Nam Định, Thứ trưởng Bộ Văn hóa cho rằng khó đảm bảo an ninh trật tự khi phát ấn vào nửa đêm.  
Bình luận 0

Chiều 18.1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần (Nam Định) bày tỏ, sáu năm nay đền chỉ phát ấn từ sáng, không phát vào nửa đêm, hạn chế được tình trạng tranh giành, chen lấn. Nhưng hiện nay các cụ già địa phương mong muốn khôi phục nghi lễ phát ấn vào nửa đêm cho đúng truyền thống.

"Tuy nhiên, Ban tổ chức phải chịu sức ép rất lớn vì lượng khách tập trung đông đặc trong khuôn viên đền vào một thời điểm vì coi đó là giờ thiêng", ông Bình chia sẻ lo lắng nếu khôi phục nghi thức phát ấn nửa đêm. 

img

Lễ khai ấn đền Trần Nam Định năm 2017. Ảnh: Ngọc Thành.

Trong đêm khai ấn, chủ lễ phát lộc cho người dân hoặc du khách tự mang vào rồi mang ra, nhưng thường bị "hiểu nhầm là cướp lộc trong cung". "Những hành vi quá khích như trèo lên ban thờ, rút bảo kiếm, đốt hương nghi ngút... là do một số người lợi dụng đám đông để tuyên truyền đạo lạ", ông Bình nói. 

Đáp lại, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng hiện nay chưa thể khôi phục lễ phát ấn vào nửa đêm vì khó đảm bảo an ninh trật tự.

Phó chánh Thanh tra Bộ, ông Phạm Xuân Phúc nói thêm khi đền Trần phát ấn vào nửa đêm thì năm nào cũng hỗn loạn, có người bị ngất, bị thương phải khiêng qua tường cấp cứu. Năm 2011 có 26 người bị thương do tranh cướp ấn. "Đây là lễ hội truyền thống, nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều nên không thể phát ấn đền Trần vào nửa đêm được nữa", ông Phúc khẳng định.

Đề cập tới công tác tổ chức lễ hội của địa phương, ông Nguyễn Việt Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa Phú Thọ cho biết, năm nay tỉnh không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà chỉ có văn nghệ, thể thao. Lễ hội chọi trâu Phù Ninh đang bị tạm dừng để thay đổi cách tổ chức.

Để ngăn chặn xô xát ở hội cướp phết Hiền Quan, chính quyền sẽ dựng bốn lớp rào bằng cọc gỗ lớn, chăng dây thừng. Giữa các lớp rào có công an tỉnh, huyện, xã túc trực. Lượng người tham gia cướp phết giảm một nửa so với năm trước, còn 100, chia thành hai đội.

Với lễ hội chọi trâu Hải Lựu, ông Quảng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Vĩnh Phúc nói, Ban tổ chức sẽ xây nhiều lớp rào ngăn cách khán giả với sân thi đấu để đảm bảo an toàn. Đường dẫn trâu vào thi đấu được tách riêng biệt. Khu giết, mổ, bán thịt trâu được che kín, niêm yết giá. Lễ hội cướp phết Bàn Giản chỉ dẫn phết chứ không tranh cướp. Lễ Đúc Bụt không tung chiếu để cướp như mọi năm mà sẽ phát lộc cho từng người.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Phương Châm, Viện trưởng Văn hóa lại cho rằng những chủ trương thay đổi nghi thức của lễ hội như trên đang làm mất bản sắc văn hóa đất nước.  

Bà phân tích, lễ hội là nơi người dân thăng hoa tinh thần nên khó tránh khỏi tranh cướp, xô xát. Người dân được tự do thực hành nét văn hóa, tín ngưỡng do họ sáng tạo ra, là một trong những chỉ số đo lường hạnh phúc. "Nhiều nước khao khát có những lễ hội như Việt Nam nhưng không được. Quản lý mà làm mất màu sắc riêng của từng lễ hội, nặng hành chính thì đó là sự thất bại", bà Châm nói. 

Viết Tuân (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem