Ngày 10.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với bản dự thảo lần thứ 11. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương với 178 điều. Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, các nhóm nội dung chủ yếu được đề nghị bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội;
Xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở… Ban soạn thảo cũng cho biết, nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau cần phải xin ý kiến của Quốc hội.
Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Điều 155) cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cho phép mọi cá nhân nước ngoài mà được nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu thì đều có quyền mua và sở hữu nhà ở.
Loại ý kiến thứ hai kiến nghị quy định điều kiện chặt chẽ hơn, chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở. Việc này nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời với Việt Nam, vì thế cần phải cân nhắc kỹ và theo tôi nên cho phép họ có quyền mua và sở hữu nhà ở.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có chính sách khác chứ không thể giống như người ở trong nước.
Theo ông Khoa, quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam” được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là quá đơn giản vì hiện nay Việt Nam đang ký miễn thị thực cho không ít quốc gia, những năm gần đây mục đích nhập cảnh vào Việt Nam nhiều, số lượng nhập cảnh lớn.
“Nếu quy định quá đơn giản thì khó xử lý nếu có vấn đề. Chỉ nên mở quy định cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam sở hữu nhà ở. Còn người tạm trú phải có điều kiện bởi thẻ tạm trú hiện dài nhất là 5 năm. Không nên mở quá rộng như quy định” - ông Khoa kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.