Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công: "Không trị được tận gốc"

Diệu Linh Thứ hai, ngày 15/08/2022 18:33 PM (GMT+7)
Mới đây, một bác sĩ đã đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị bệnh nhân, người nhà hành hung. Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Bình luận 0

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công là "nói dỗi"? 

Ngày 15/8, chia sẻ với Dân Việt về đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: "Chắc là "nói lẫy", "nói dỗi" trong lúc bức xúc chứ chả ai cầm khiên, mặc áp giáp để khám chữa bệnh (!!!)".

Nói với Dân Việt, TS, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công cho rằng đó không phải là giải pháp để giải quyết được việc hành hung nhân viên y tế, giúp nhân viên y tế yên tâm cứu chữa cho bệnh nhân.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công: Không trị được tận gốc - Ảnh 1.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống lại việc hành hung theo các bác sĩ chỉ là "nói dỗi" khó thực hiện. (Một vụ hành hung nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa diễn ra mới đây. Ảnh trích từ clip do Bệnh viện Nhân dân Gia Định cung cấp)

Một bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện lớn tại Hà Nội (xin giấu tên) cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị bệnh nhân, người nhà hành hung là quá "hài hước", không thể thực hiện ở bệnh viện.

"Thử hỏi một môi trường bệnh viện mà nhân viên y tế phải mặc áo giáp, cầm khiên thì ai còn bình tâm, yên ổn mà cứu chữa người bệnh. Bệnh nhân vào bệnh viện thấy toàn "khiên giáp" như thế thì ai dám chữa bệnh.

Bác sĩ cũng không phải người vô tri vô giác để chịu mặc áo giáp, dùng khiên khi đi khám chữa bệnh. Nếu bệnh viện không còn an toàn, họ sẽ đối phó bằng cách bỏ việc hoặc bỏ mặc bệnh nhân để bảo vệ cho chính mình", vị bác sĩ này nói.

 Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế hay học võ chỉ là "giải pháp tình thế"

Theo TS Quang, các đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế hay học võ để chống bạo hành bệnh viện... đều không phải giải pháp căn cơ, giúp bác sĩ yên tâm làm việc, cứu chữa người bệnh. 

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%).

Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng gây mất an ninh và bạo hành nhân viên y tế là người nhà bệnh nhân hoặc người đi cùng người bệnh đang bị kích động do không hiểu biết quá trình thăm khám, điều trị của cơ sở y tế.

TS Quang cho biết, các đối tượng vào bệnh viện hành hung nhân viên y tế bao gồm 3 dạng: Không hài lòng về việc cứu chữa, thái độ phục vụ nên hành hung bác sĩ; kẻ say xỉn, nghiện hút vào hành hung bác sĩ không vì lý do gì; những đối tượng truy sát nhau ngoài xã hội, vào viện lại tiếp tục truy sát và nhân viên y tế bị ảnh hưởng…

"Trước khi phân tích xem chế tài xử phạt kẻ hành hung trong bệnh viện đủ mạnh hay chưa thì có thể thấy các hành vi này liên quan đến sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người dân, các đối tượng này coi bệnh viện như cái chợ, coi nhân viên y tế như bất cứ kẻ khiến mình "ngứa mắt" nào, không ưng là chửi bới, không ưng là đánh đập.

Thứ 2 là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này. Nếu như vào khoa cấp cứu, chúng ta có sự ngăn cách giữa người bệnh và thân nhân thì sẽ hạn chế nạn hành hung nhân viên y tế.

Hoặc khi có hành vi xảy ra đánh nhau có sự can thiệp kịp thời của lực lượng bảo vệ thì các tổn thương sẽ bị hạn chế. Còn chờ đến công an vào đến nơi thì có khi hậu quả đã xảy ra rồi.

Thứ 3 là phải trừng phạt nghiêm các vi phạm pháp luật trong bệnh viện vì đây là hành vi nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của nhiều người, bao gồm cả nhân viên y tế và bệnh nhân đang cần cấp cứu.

Như vậy, để giải quyết vấn đề bạo hành bệnh viện thì cần phải giải quyết từng nguyên nhân tôi đã nêu ở trên", TS Quang phân tích.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công: Không trị được tận gốc - Ảnh 3.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế: Nhân viên y tế mặc áo giáp thì ai còn tâm trí để chữa bệnh. Ảnh minh họa

TS Sơn cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các vụ hành hung bác sĩ vẫn tiếp diễn là chúng ta xử phạt quá nương nhẹ các vụ việc tương tự. Nhiều khi hai bên hòa giải, nhận lỗi là xong. Để khắc phục vấn nạn này, cần phải xử lý nghiêm minh, có thể chọn một số trường hợp xử công khai để làm gương. 

Trước các vụ hành hung nhân viên y tế diễn ra liên tục, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện.

Cụ thể như: Điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội); tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện…

Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện, phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các cơ sở y tế.

Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện…

"Không phải là chúng ta chỉ bảo vệ bác sĩ mà việc xử nghiêm là để bảo vệ cả bệnh nhân. Bởi nếu bác sĩ hoảng sợ, bỏ chạy, không tập trung được vào chuyên môn thì bệnh nhân mới chính là... nạn nhân.

Bác sĩ mà không yêu nghề, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đánh hoặc mặc kệ bệnh nhân thì khi đó ai mới là người chịu thiệt?", TS Sơn nhận định.

Còn vị lãnh đạo bệnh viện lớn ở Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, một số giải pháp hiện nay nhằm hạn chế nạn hành hung nhân viên y tế chỉ giải quyết phần ngọn, còn phần gốc của vấn đề đang bị lờ đi.

"Thu nhập trung bình đầu người của Việt Nam không cao, đầu tư y tế ít, viện phí thấp nhưng xã hội, người dân lại cứ yêu cầu chất lượng y tế phải cao, người bệnh, người nhà vào viện phải được phục vụ "ngay và luôn", với thái độ lúc nào cũng như "phục vụ thượng đế" thì quá khó.

Thu nhập của chúng ta chỉ bằng các nước đang phát triển nhưng y tế lại đòi sánh ngang với Anh, Mỹ là không thể được. Thậm chí, cả Anh, Mỹ nếu đi khám bệnh thông thường, không phải cấp cứu thì cũng phải đăng ký, xếp hàng cả tháng, vài tháng chứ không phải sướng như ở Việt Nam, đi khám chỉ chờ vài giờ là được.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công: Không trị được tận gốc - Ảnh 5.

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế hay tập võ đều không giải quyết được gốc rễ vấn đề (Buổi diễn tập, mô phỏng lại tình huống gây rối tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC)

Đầu tư cho y tế thấp, 1-2 điều dưỡng phục vụ cả trăm bệnh nhân thì không thể đủ sức lực, tinh thần để lúc nào cũng tươi cười, nhũn nhặn, kiên nhẫn giải thích kỹ càng cho người bệnh.

Bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên, bệnh viện quá tải, sẽ phải có ưu tiên cấp cứu và người "chưa nguy kịch" phải chờ đợi, nhưng người nhà lại cứ đòi được khám chữa ngay là quá khó.

Nhiều người không hiểu gì về chữa bệnh nhưng vào viện luôn thích chỉ đạo bác sĩ, không được đáp ứng là sừng cồ, chửi bới thậm tệ thậm chí đánh đập…, bác sĩ vừa phải khám chữa bệnh, vừa lo đối phó, sức lực tâm trí đều rất mệt. 

Cho nên, muốn hạn chế nạn hành hung nhân viên y tế thì cần phải thay đổi từ quan niệm "đầu tư ít, viện phí thấp nhưng đòi chất lượng cao, phục vụ tốt" khiến cho nhân viên y tế phải "giơ đầu chịu báng", đồng thời tìm cách giải quyết các vấn đề từ gốc rễ", vị bác sĩ này phân tích. 

Đề xuất mua khiên, áo giáp cho nhân viên y tế để chống bị tấn công

Trước đó, chia sẻ với báo chí, bác sĩ Trần Văn Khanh, để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh viện đã đề xuất với công an phường nghiên cứu xem có thể cung cấp chiếc khiên để tại khoa cấp cứu của BV để khi có trường hợp tấn công nhân viên y tế, nhất là người tấn công bằng dao… còn có cái để đỡ.

Đồng thời, cơ quan công an có thể cấp mũ có mặt nạ và 1 - 2 bộ áo giáp để bộ phận bảo vệ mặc tiếp cận khống chế người dùng hung khí tấn công nhân viên y tế, trong khi chờ công an tới.

Cũng theo bác sĩ Khanh, tại BV Lê Văn Thịnh, Ban giám đốc đã chỉ đạo đoàn thanh niên tổ chức dạy võ cho nhân viên tế để nâng cao sức khỏe và biết cách bảo vệ bản thân khi bị tấn công, thậm chí có thể khống chế được người hành hung.

Mời các bạn xem video: Hành vi hành hung nhân viên y tế của người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Hành vi hành hung nhân viên y tế của người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nguồn: BVCC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem