Đề xuất nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân

Thứ sáu, ngày 04/03/2011 07:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ 2009 đã không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi khi tình trạng “bão giá” ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người làm công ăn lương hiện nay.
Bình luận 0

Những sửa đổi cơ bản của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng, trong đó có 2 nội dung đề xuất sửa đổi rất quan trọng là nâng mức khởi điểm chịu thuế và thay đổi phương thức tính giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

img
Nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN sẽ giúp người lao động bớt khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng cao. (Ảnh minh họa).

Nâng mức khởi điểm và thay đổi phương thức giảm trừ!

Theo đề xuất, lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước sẽ được lấy làm căn cứ để tính mức khởi điểm tính thuế, đồng thời đề xuất mức khởi điểm tính thuế nên bằng 8 lần lương tối thiểu. Khi ấy, mức khởi điểm tính thuế sẽ không quy định cứng nhắc như Luật Thuế hiện hành, mà sẽ được thay đổi hàng năm theo mức điều chỉnh của lương tối thiểu.

Nếu đề xuất này được thông qua, thì sắp tới đây khi mức lương tối thiểu theo vùng (mức thấp nhất) được điều chỉnh lên mức 830.000đồng/tháng, mức khởi điểm chịu thuế sẽ là 6.640.000 đồng.

29.000 tỷ đồng là số tiền thuế TNCN năm 2011 Bộ Tài chính dự kiến thu được. Trong đó, 75% thu được từ tiền công, tiền lương. Thu từ hộ sản xuất, kinh doanh chỉ khoảng 5,8%; chuyển nhượng bất động sản, quà tặng khoảng 13,6%; thu nhập khác vào khoảng trên 5%.

Theo đó, mức khởi điểm tính thuế TNCN cũng sẽ được tính theo vùng như mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước chứ không phải cào bằng 4.000.000 đồng ở mọi khu vực như hiện nay. Như vậy, với người lao động ở khu vực như Hà Nội, TP.HCM thì mức khởi điểm tính thuế sẽ được tính với mức 10.800.000 đồng/tháng.

Theo Bộ Tài chính, một điểm rất mới mà Bộ này đề xuất là tính thuế theo hộ gia đình, dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình rồi chia cho từng cá nhân chứ không tính thuế trên mỗi cá nhân có thu nhập.

Nếu thu nhập trung bình nhỏ hơn mức khởi điểm tính thuế, thì sẽ không phải nộp thuế và ngược lại. Mức giảm trừ gia cảnh hiện đang được đề xuất bằng 3 lần mức lương tối thiểu (hiện nay mức giảm trừ đang là 1,6 triệu đồng/người/tháng).

Để không còn phải chạy theo lạm phát

Nhận xét về những quy định mới được đề xuất của Luật Thuế TNCN, thạc sỹ Đinh Tuấn Minh (Trường Đại học Quốc gia HN) cho rằng: Việc nâng mức khởi điểm chịu thuế trong thời điểm hiện nay là điều phải làm, cần làm ngay.

“Nếu tiếp tục kéo dài mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng để thu thì nhà nước đang tận thu, trong bối cảnh lạm phát ngày càng leo thang. Với đề xuất lấy lương tối thiểu nhân lên 8 lần, nếu ai vượt qua ngưỡng đó, thì tính thuế, như thế là hợp lý nhất”- ông Minh nhận định.

Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN là người đã từng đề xuất mức khởi điểm chịu thuế phải gấp 10 lần lương tối thiểu trong lần lấy ý kiến tại diễn đàn Quốc hội trước đây.

Về những sửa đổi lần này, ông Tùng cho rằng: Việc xác định mức khởi điểm chịu thuế dựa trên mức lương khởi điểm là tiến bộ bởi tiền VND mỗi năm đều mất giá từ 7-10% nên quy định như vậy là để tránh việc luật chưa ban hành đã lạc hậu.

“Tuy nhiên, thuế thu nhập là phải “đánh” vào đối tượng có thu nhập cao. Làm sao để tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trong khi vật giá ngày một tăng cao như hiện nay thu nhập của người lao động trên 10.000.000 đồng/tháng chưa thể gọi là thu nhập cao” - ông Tùng nhấn mạnh. “Phải làm sao để đảm bảo cho người lao động có cuộc sống ổn định và phát triển lâu dài” - ông Tùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem