Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến thẩm định về dự thảo nghị định liên quan đến ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất mới. Theo đó, cá nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu có nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên, trong khi đối với doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu doanh nghiệp nợ thuế từ 500 triệu đồng. Thời gian nợ thuế quá hạn áp dụng cho cả hai trường hợp là 120 ngày. So với mức đề xuất ban đầu trong giai đoạn lấy ý kiến, mức ngưỡng này đã được nâng lên gấp 5 lần.
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất áp dụng ngưỡng nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên đối với cá nhân để tạm hoãn xuất cảnh đã được tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế. Cụ thể, Malaysia áp dụng ngưỡng khoảng 2.000 USD/cá nhân, trong khi Mỹ quy định ngưỡng 40.000 USD/cá nhân (bao gồm cả tiền phạt và lãi).
So sánh với thu nhập bình quân đầu người, Mỹ năm 2023 đạt khoảng 80.000 USD, còn Việt Nam đạt khoảng 4.284 USD. Do đó, ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng, tương đương khoảng 2.100 USD, được đánh giá là phù hợp với mức thu nhập bình quân tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tham khảo kinh nghiệm từ Đài Loan (Trung Quốc), nơi áp dụng ngưỡng nợ thuế quá hạn là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng). Trong khi đó, nhiều quốc gia khác không quy định ngưỡng cụ thể. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngưỡng nợ thuế 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp, tương đương 10 lần mức áp dụng cho cá nhân.
Theo số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, hiện có khoảng 380.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu áp dụng ngưỡng nợ thuế mới này từ 1/1/2025 sẽ có 81.000 người thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh.
Theo quy định, từ 1/1/2025, ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh được thi hành. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp sớm có ý kiến thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định quy định ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Bộ Tài chính cũng đề xuất việc thông báo sẽ thực hiện bằng phương thức điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế ngay khi người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; và sau 30 ngày kể từ ngày thông báo mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì cơ quan thuế mới ban hành văn bản để chính thức áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Đối với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký mà vẫn còn nợ thuế và người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam, mà vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cần áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Do vậy, ngay khi có thông tin về việc các cá nhân nêu trên chuẩn bị xuất cảnh, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, phải gửi thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử cho các cá nhân này.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Trước đó, nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng, đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Việc chưa có quy định cụ thể gây ra nhiều khó khăn khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính nhất thời.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn, và không tạo ra số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.
"Giá trị nợ thuế vài triệu, thậm chí là vài chục triệu cũng không đáng. Thứ hai, có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, ngược lại doanh nghiệp khác nợ ít (và vì lý do khách quan) nhưng hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu nên thường xuyên phải xuất cảnh", ông Vũ Sỹ Cường góp ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.