Đề xuất nhiều giải pháp hạn chế sử dụng bia rượu gây nhiều tranh cãi

Diệu Linh Thứ ba, ngày 25/09/2018 06:10 AM (GMT+7)
Dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (RB) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mang ra bàn soạn, dự định trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Nhiều quy định về cấm bán RB cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo RB trên 15 độ... tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận.
Bình luận 0

Phát bệnh, đói nghèo vì rượu bia

Tại phiên họp cho ý kiến lần đầu về về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật PCTHRB) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện ban soạn thảo, cho biết thực trang sử dụng RB ở Việt Nam đã ở mức báo động, tăng đột biến về mức tiêu thụ RB và sản lượng sản xuất. Theo Tổng cục thống kê, mỗi người dân Việt Nam (trên 15 tuổi) sử dụng tới 4,4 lít cồn nguyên chất trong năm 2014. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) con số này lên tới  8,3 lít, và Việt Nam đứng thứ 64/194 nước sử dụng RB nhiều trên thế giới.

img

Theo Bộ Y tế, sử dụng RB có thể gây ra gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội  (ảnh minh họa). Ảnh:  L.H

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người uống RB đều gia tăng và tỷ lệ thanh niên, thiếu niên uống RB ở mức cao lên tới 70% với nam và 6% với nữ (trên 15 tuổi) vào năm 2010. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 80,3% ở nam giới và nữ giới là 11,6%, trong đó 44,2% nam giới uống ở mức nguy hại, tăng 1,76 lần so với năm 2010.

Cung nhiều, cầu lên, sản lượng RB sản xuất trong nước cũng tăng vùn vụt. Hiện cả nước có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 hơn 4 tỷ lít. Đối với rượu, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã cấp gần 170 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công… Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.

Theo Bộ Y tế, sử dụng RB có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do RB chiếm từ 1,3 – 3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do RB ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Chi phí của người dân Việt Nam cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia năm 2017 là gần 4 tỷ USD.

Nhiều kẽ hở quảng cáo rượu bia

Dự luật PCTHRB đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế sử dụng RB như: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; cấm quảng cáo RB trên 15 độ; cấm sử dụng các cụm từ “rượu thuốc”, “rượu bổ”, “bổ dưỡng” để gây hiểu nhầm là RB tốt cho sức khỏe để đặt tên và ghi trên nhãn sản phẩm RB; cấm ép buộc trẻ em và người khác sử dụng RB... Ngoài ra, dự luật khuyến nghị người dân hạn chế dùng RB trong đám tang, cưới hỏi, lễ hội. Cán bộ công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc không được uống RB…

Dự luật cũng nghiêm cấm nội dung quảng cáo có thông tin, hình ảnh thúc đẩy uống RB tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính. Cấm quảng cáo RB bia hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai. 

Đáng chú ý, dự luật này có một số điều gây tranh cãi, cho rằng khó có thể kiểm soát được, nhất là quy định “cấm bán RB cho người dưới 18 tuổi”.

Về dự thảo này, bà Phạm Hoàng Anh - đại diện Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam (tổ chức chuyên làm việc về PCTHRB), cho rằng, Bộ Y tế đã tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Dự luật PCTHRB sao cho có hiệu quả nhất, cũng tương đồng với các giải pháp mà WHO khuyến nghị.

Cụ thể như các giải pháp giảm khả năng tiếp cận RB của người dân bằng cách hạn chế bán RB, hạn chế quảng cáo RB, quy định về độ tuổi được sử dụng RB… “Tuy nhiên, hiện nay, các quy định quảng cáo RB của Việt Nam còn rất lỏng lẻo. Chúng ta cấm quảng cáo rượu trên 30 độ nhưng không cấm các hãng rượu tài trợ cho các chương trình văn hóa, văn nghề, chạy lô gô ở các chương trình. Ngoài ra, quảng cáo bia cũng đang thả nổi, không cấm. Đây vẫn là các kẽ hở về quảng cáo RB, khuyến khích người dân sử dụng RB nhiều hơn” – bà Hoàng Anh phân tích.

Với xu hướng tiêu dùng như hiện nay, một chuyên gia y tế nói với phóng viên Báo NTNN rằng cần phải có chế tài và kiểm soát chặt quảng cáo RB mới mong hạn chế được thói quen sử dụng RB trong người dân. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với RB nhằm giảm số người có khả năng tiếp cận với RB (giá cao người có thu nhập trung bình, nghèo khó mua – PV).

Khi quy định cấm có nghĩa đó là hành vi vi phạm, cần được lên án. Còn các chế tài xử phạt, các biện pháp cưỡng chế kèm theo đó, phạt được hay không là việc khác. Với các quy định về hành vi cấm như vậy, người dân sẽ được tuyên truyền và dần dần thay đổi hành vi để “đúng luật” hơn. Điều đó cần thời gian lâu dài”.

Bà Hoàng Anh

Khó khả thi nếu trông chờ tính tự giác

Theo bà Hoàng Anh,  Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, thứ 19 thế giới về mức độ sử dụng RB. Với tốc độ sử dụng RB tăng chóng mặt của người Việt hiện nay, chẳng mấy chốc mà người Việt dẫn đầu thế giới về mức độ sử dụng RB. Đương nhiên, bệnh tật do RB, gánh nặng kinh tế của RB đối với người Việt cũng sẽ tăng cao.

Theo bà Hoàng Anh, biện pháp hạn chế sử dụng RB mà các nước trên thế giới áp dụng thành công chính là hạn chế bán rượu theo giờ, giảm nguồn cung sẽ giảm được cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại quy định “uống RB theo giờ” là đi ngược, vì nếu có cầu sẽ có cung, mà người bán ít, người mua nhiều khi đó biện pháp giám sát người sử dụng RB càng khó hơn.

“Nhiều nước quy định bán RB vào khoảng 17-22 giờ, vào bữa ăn tối, vì thế sẽ hạn chế được nhu cầu sử dụng RB” – bà Phạm Hoàng Anh nói.

Về quy định cấm bán RB cho người dưới 18 tuổi, bà Hoàng Anh cũng khẳng định, quy định này không dễ thực hiện ở Việt Nam. “Điều này trông chờ vào tính tự giác của người bán và người mua. Đồng thời chúng ta phải xây dựng được một mạng lưới cộng tác viên dưới 18 tuổi để thi thoảng “thử” đi mua rượu, và nơi nào bất chấp luật, bán rượu cho người dưới 18 tuổi thì cần lực lượng chấp pháp bắt quả tang và xử phạt thật nặng, đủ sức răn đe”- bà Hoàng Anh chia sẻ.

Bà Hoàng Anh cũng ủng hộ quy định “cấm công chức uống RB trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc”. Dù quy định này cũng khó kiểm soát, vẫn phải trông chờ vào sự tự giác của các lãnh đạo, người lao động tại các cơ quan nhưng quy định cũng khẳng định “uống RB trong giờ làm việc” là vi phạm pháp luật.

img

Cần có giải pháp cấp bách và đồng bộ

Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó cần có các biện pháp cấp bách để hạn chế sử dụng rượu, bia: Áp dụng chính sách giá đối với đồ uống có cồn; hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia; thắt chặt quy định về tiếp thị, quảng cáo rượu, bia đặc làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên, qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ. Đồng thời, đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa tác hại do rượu, bia sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội”.

TS Kidong Park - đại diện WHO tại Việt Nam

img

Quản lý lỏng, sử dụng thoải mái

Thị trường sản xuất, tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam hiện nay được kiểm soát lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, nội dung chế tài thiếu cụ thể. Không nước nào trên thế giới mà rượu, bia lại sẵn có và tiếp cận dễ như ở Việt Nam, ai mua cũng được, mua bao nhiêu không hạn chế; việc quảng cáo rượu bia dưới 15 độ vẫn rầm rộ ở các giờ vàng trên TV, internet, ở các giờ mà trẻ em vẫn có thể xem và tiếp cận. Việt Nam cũng là nước có thuế rượu, bia thấp “hàng đầu khu vực”, điều này khiến người nghèo cũng mua được rượu, bia và giá nào cũng có thể mua được rượu, bia. Sự “thoải mái” này khiến cho tình trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tăng nhanh và tăng nhanh ở nhóm người trẻ tuổi.

TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem