Ngày 23/4, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" nhằm góp phần tìm giải pháp huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư phát triển hạ tầng cho TP.HCM.
Kiều hối nhiều gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, TP.HCM hướng đến mục tiêu trở thành thành phố có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. Tuy nhiên, hiện vẫn có những nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng cản trở sự phát triển của thành phố mà nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực. Trong khi ngân sách còn hạn chế, TP.HCM lại chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ để huy động tổng lực nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho phát triển hạ tầng.
Ước tính hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với thành phố.
Trong năm 2023, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022; quý 1 năm 2024 kiều hối về TP.HCM tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Ông Phong nhận định, lượng kiều hối gửi về cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
"Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, nhằm góp phần tìm ra những giải pháp cụ thể, khả thi nhất. Từ đó đóng góp vào cơ chế chính sách để tạo cơ sở pháp lý huy động hiệu quả nguồn lực vàng kiều hối vào sự phát triển hạ tầng của thành phố", ông Phong nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ, TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng, từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Để triển khai bài toán này, TP.HCM phải huy động nguồn lực tổng hợp đủ lớn nhưng điều này lại không dễ dàng. Đây cũng là trăn trở rất lớn không chỉ của lãnh đạo thành phố, mà cả trung ương.
Trong các nguồn lực phát triển, ông Cường cho rằng, thành phố luôn xác định ngân sách là nguồn lực đầu tiên, mang tính dẫn dắt, là dòng vốn mồi để từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Trong đó, nếu có thể phát huy tốt nguồn lực kiều hối, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.
Đề xuất phát hành trái phiếu cho kiều bào
Theo ghi nhận, lãnh đạo nhiều đơn vị như Sở Xây dựng, Sở GTVT, Ban Quản lý đường sắt Đô thị TP.HCM... đã nêu ra những khó khăn về nguồn lực trong việc thực hiện các dự án như nhà ở xã hội, cải tạo kênh rạch, xây dựng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng thời, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để thu hút, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu chia sẻ, kiều hối đổ về Việt Nam hiện nay được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp.
Ông Hiếu cho rằng, trước đây, kiều bào gửi tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất. Tuy nhiên nhiều năm qua, ngân hàng trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không còn mặn mà gửi về. Do đó, kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TP.HCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.
Ông Hiếu dự đoán, khả năng thành phố phát hành trái phiếu để tài trợ các dự án trọng điểm sẽ thành công khoảng 70% (cho đợt chào bán đầu tiên) với số lượng chào bán lần đầu khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc quản lý trái phiếu của thành phố đòi hỏi sự tuyệt đối cẩn trọng và chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư được bảo đảm và bảo vệ… nhằm tạo niềm tin cho kiều bào.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đề xuất thành lập quỹ "đồng bào" để thu hút kiều hối.
Theo ông Lộc, hiện nay việc đầu tư sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn, doanh nghiệp suy giảm, đầu tư vào thị trường chứng khoán bấp bênh, vàng nhiều rủi ro, lãi suất ngân hàng đang ở mức rất thấp, kênh đầu tư khác đang trở nên khó khăn hơn, thì xu hướng chung là nhà đầu tư sẽ tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, ít mạo hiểm và trái phiếu được người dân cũng như các nhà đầu tư hướng đến.
Bên cạnh đó, tiềm năng của kiều bào hiện tại là rất rõ ràng, lượng kiều hối gửi về gia tăng, ngoài việc gửi về Việt Nam như khoản tiết kiệm, thì nguồn vốn đầu tư của người Việt ở nước ngoài vẫn còn lớn nếu chúng ta có cách thức huy động.
Ông Lộc đề xuất thành lập quỹ mang tên "đồng bào", nhằm khơi dậy lòng yêu nước và đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Việc thành lập quỹ đảm bảo an toàn pháp lý và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC sẵn sàng tham gia cùng các cơ quan thành phố để đảm bảo an toàn pháp lý, vận hành hiệu quả.
Tọa đàm đã bàn nhiều giải pháp về tạo môi trường pháp lý, cơ chế an toàn để kiều bào an tâm; các định chế, đặc biệt là phát hành trái phiếu kiều hối... cũng như việc TP.HCM phải chủ động, có định chế, phát huy được vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu hút, dẫn dắt được dòng vốn này từ kiều bào.
Ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 đề nghị bổ sung vào dự thảo đề án các ý kiến liên quan đến trái phiếu, các quỹ đầu tư. Đồng thời nghiên cứu thêm, có nơi nào có dự án, công trình riêng lẻ cho đầu tư trái phiếu kiều hối hay không, là những "case study" để TP.HCM đề xuất thêm thuyết phục. "Cố gắng năm tới có được 1-2 dự án công trình để làm thí điểm", ông Trần Du Lịch nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.