Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ -Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, đại diện các sở, ban, ngành và thân nhân gia đình nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu trong một gia đình nho học. Thời thanh niên, Nguyễn Trung Phong tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân.
Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952 vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An. Sau này, ông là Phó Ty Văn hóa Nghệ - Tĩnh...
Tuy không học trường lớp cơ bản nào nhưng với năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Trung Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như cải lương, chèo, hoạt cảnh và kịch dân ca. Hơn 40 năm cống hiến cho Văn hóa xứ Nghệ, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm dân ca từ hoạt cảnh đến cả những vở kịch hát.
Trong suốt cuộc đời hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, Nhà văn hóa, Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã phát hiện, đào tạo, kèm nghề cho rất nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ, nhiều học trò của ông thành danh như NSUT Song Thao, Minh Ngọc, Đình Tân, NSƯT Danh Cách, NSUT Đình Bảo, Nhạc sỹ tài ba An Thuyên và nhiều nghệ sỹ tiếp nối sau này như NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu...
Dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là những tác phẩm để đời như vở chèo “Cô gái Sông Lam”, vở kịch “Khi ban đội đi vắng” chuyển thể thành làn điệu “Giận mà thương” và nhiều vở kịch, nhiều hoạt cảnh dân ca khác. Chính làn điệu “Giận mà thương” của Nguyễn Trung Phong là chất liệu quý giá để nhạc sĩ Đỗ Nhuận dựa vào, sáng tác ca khúc bất hủ “Trồng cây lại nhớ đến Người”. Những tác phẩm của ông đã đóng góp vào kho tàng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để hơn 5 năm trước UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại Hội thảo, đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của những nhà nghiên cứu văn hóa, đồng nghiệp cùng thời, học trò… của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong khẳng định vai trò quan trọng của ông với bộ môn kịch hát Dân ca xứ Nghệ.
Hội thảo cũng có nhiều tham luận đề cập đến nhiều vấn đề, từ thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của Nhà biên kịch, nhà văn hóa Nguyễn Trung Phong đối với nghệ thuật chèo, cải lương, dân ca, kể cả công tác quản lý văn hóa…
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ -Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và cả trên cương vị nhà quản lý.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục có các hoạt động phù hợp để đánh giá toàn diện tác giả, tác phẩm của Nguyễn Trung Phong trên các góc độ. Sở VH&TT, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cần quan tâm, học hỏi, dàn dựng, có thể làm mới các vở kịch, làn điệu dân ca do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo huyện Diễn Châu tạo điều kiện xây dựng không gian nghệ thuật Dân ca ví, giặm gắn với nhà tưởng niệm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại quê hương; tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của ông…
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đề nghị, “Đề nghị Sở VH&TT Nghệ An kết hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong”.
Ngô Toàn (Pháp luật VN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.