Dự thảo luật Lao động (sửa đổi) vẫn đang được hoàn thiện, tuy nhiên trong quá trình thảo luận lấy ý kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới, ban soạn thảo đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều…
Lao động 1.748 ngành có thể nghỉ hưu sớm
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, về cơ bản tất cả ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học đều cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu đáp ứng già hóa dân số ở Việt Nam là việc cần thiết và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương. Tuy vậy, về cách thức, bước đi còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Lợi cũng cho biết, thực tế các đoàn khảo sát lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy có tới 99% số người lao động được hỏi đã bày tỏ không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu. Và đây là thực tế chung của các nước trên thế giới chứ không riêng gì của Việt Nam.
Nhiều lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu (ảnh minh họa, chụp tại công ty sản xuất ôtô, xe máy ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: VIẾT THÀNH
“Lao động ngành thủy sản chúng tôi rất vất vả, công việc phải đứng 8 tiếng/ngày, chưa kể tăng ca. Nhiều công nhân ở công ty tôi đến 50 tuổi, đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội là họ đều xin về hưu sớm chứ không chờ đến đủ 55 tuổi. Giờ quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và 62, chắc chắn chúng tôi không đủ sức khỏe để sản xuất”.
Công nhân Nguyễn Thị Toán
(Hải Phòng)
|
Theo ông Lợi, hiện quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 và nam là 60, nhưng trong thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân của hiện nay của nữ là 53, nam 57. Chúng ta quy định như vậy nhưng không đạt được vì do các điều kiện lao động. Dù quy định nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng sẽ có tới 1.748 ngành là lao động có thể được về hưu sớm do quy định về nghỉ hưu trước 5-10 năm với những ngành độc hại. Trong đó, cá biệt một số lao động làm công việc độc hại nhưng lại mắc các bệnh nghiêm trọng còn có thể được nghỉ hưu trước 10 năm mà vẫn được hưởng lương hưu tới 75%.
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu thực tế được bàn đi bàn lại quá nhiều lần mà kết quả… vẫn thế. “Tôi cho rằng đây cũng là vấn đề rất bình thường, bởi khi lao động đứng trước sự lựa chọn thiệt hơn thì ai cũng muốn chọn giải pháp có lợi, an toàn nhất cho mình. Giờ đây khi tăng tuổi nghỉ hưu, lao động phải cống hiến thêm vài năm, đóng BHXH thêm vài năm, đương nhiên lương hưu có thể tăng nhưng về cơ bản họ không muốn vì ngoài vấn đề sức khỏe họ còn gặp nhiều khó khăn khác, nhất là lao động sản xuất trực tiếp” – bà Hương nói.
Bà Hương lấy ví dụ cụ thể, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ doanh nghiệp phải cạnh tranh, bản thân lao động cũng phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Lao động sản xuất trực tiếp của chúng ta đa phần lao động phổ thông, không có trình độ tay nghề cao, chính bởi vậy họ hoàn toàn có nguy cơ bị sa thải, mất việc làm.
“Thực tế, không doanh nghiệp nào muốn tiếp nhận lao động nhiều tuổi bởi họ phải trả lương dựa trên thâm niên, trong khi đó lao động cao tuổi rất khó để tăng ca, tăng kíp, nâng cao năng suất lao động. Bởi vậy mới nói tăng tuổi nghỉ hưu nếu không có lộ trình, chuẩn bị phương án và đánh giá tác động cụ thể thì lao động sản xuất trực tiếp sẽ gặp rất nhiều bất lợi” – bà Hương nhấn mạnh.
Tách tuổi nghỉ hưu liệu có khả thi?
Trước thực tế nhiều người lao động không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu, nhiều chuyên gia về lao động - việc làm cho rằng, cách tốt nhất để vẹn toàn là nên chuyển quy định nâng tuổi nghỉ hưu sang Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo bà Vương Thị Hanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, trong quá trình góp ý kiến hình thành Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà ghi nhận nhiều ý kiến nên tách bạch vấn đề này. Lao động trực tiếp làm việc trong một môi trường hoàn toàn khác với môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu triển khai theo hướng chuyển quy định nâng tuổi nghỉ hưu sang Luật Cán bộ, công chức, viên chức thì không cần có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu mà chúng ta có thể tăng lập tức với bộ phận lao động là cán bộ công chức, người có trình độ kỹ thuật cao.
Bàn về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Lợi cho rằng kết quả thẩm tra của cơ quan thuộc Quốc hội cũng ghi nhận một số ý kiến đề xuất tách quy định tuổi nghỉ hưu sang hai luật. Với lao động trực tiếp thì quy định trong Bộ luật Lao động, còn tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức thì sang Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
“Theo phương án này thì Quốc hội có thể quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào điều kiện tăng trưởng của kinh tế - xã hội mà điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu ở khu vực lao động sản xuất trực tiếp” – ông Lợi nói.
Từ góc độ người lao động, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, rất khó để công nhân, lao động chấp nhận tăng tuổi nghỉ hưu. “Thực tế lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp đang bị vắt kiệt sức lao động do lương thấp, họ phải tăng ca, tăng kíp. Dù quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành chỉ là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi nhưng có tới hơn hơn 90% lao động sản xuất trực tiếp không thể nghỉ hưu đúng tuổi do vấn đề suy giảm sức khỏe” – ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên chỉ băn khoăn tới việc nâng tuổi nghỉ hưu ở nhóm lao động trực tiếp, lao động đặc thù.
“Lao động làm hành chính, lao động gián tiếp có thể tăng tuổi nghỉ hưu, điều này cũng phù hợp trong bối cảnh thiếu việc làm, Việt Nam phải đối mặt với già hóa dân số. Băn khoăn nhất vẫn là công nhân sản xuất trực tiếp, hầu hết công nhân khó trụ lại được ở tuổi 55 với nữ, 62 với nam” – ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Quảng cho rằng không cần phải tách việc nghỉ hưu chuyển sang luật khác mà nên quy định rõ, cụ thể trong Bộ luật Lao động để tạo sự thống nhất đồng bộ.
Trình danh mục nghề nghiệp độc hại
“Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề xuất phải có danh mục nhóm ngành nghề nghỉ hưu sớm. Bộ LĐTBXH cũng đã tiếp thu, xin ý kiến các bộ, ngành, tổ chức đại diện người lao động... về danh mục các công việc độc hại, nguy hiểm. Về cơ bản, các điều kiện làm việc của người lao động đã được cải thiện, tốt hơn nhiều so với trước, ngày càng có nhiều máy móc hiện đại, hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, sẽ có những nhóm lao động đặc thù được nghỉ hưu sớm hơn. Hiện có nhiều ngành nghề đặc thù như: giáo viên mầm non VÀ tiểu học, diễn viên múa, vận động viên thể thao, sản xuất than, chế biến khoáng sản… Dự kiến vào cuối tháng 9 này, Bộ LĐTBXH sẽ hoàn thành danh mục này”.
Ông Doãn Mậu Diệp – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Cần tính đến góc độ con người
“Vấn đề tuổi nghỉ hưu dù đã được bàn nhiều nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người lao động, theo tôi là bởi ban soạn thảo mới chỉ tính tới góc độ bối cảnh thời cuộc mà chưa tính tới góc độ con người. Tăng tuổi nghỉ hưu để đáp ứng già hóa dân số nhưng phải tính toán lại xem lao động chúng ta có thể đáp ứng được không, nếu tăng luôn thì hậu quả là gì… đặc biệt với lao động sản xuất trực tiếp, họ sẽ phản ứng thế nào, doanh nghiệp có thoải mái hay không?
Theo tôi, cách tốt nhất là nên tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức và người có trình độ kỹ thuật cao để tận dụng chất xám trước. Lao động trực tiếp, phổ thông thì cần thực hiện chậm, có lộ trình nâng cao thể lực, trí lực, tay nghề… cho họ cộng thêm vào đó cải thiện môi trường làm việc thì mới nên tăng”.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.