Đề xuất thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam

Hồng Vũ Thứ năm, ngày 15/10/2015 10:34 AM (GMT+7)
Trong Hội thảo tham vấn về đề án thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, ý kiến của đa số các lãnh đạo, các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng khi tiến hành thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam.
Bình luận 0

Liên kết để nâng cao giá trị rừng

Sáng 30.9, Hội thảo tham vấn về đề án thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Ban vận động thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam tổ chức.

Trong hội thảo, ý kiến của đa số các lãnh đạo, các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng khi tiến hành thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam. Ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Trong bối cảnh mới, cần phải liên kết các chủ rừng chặt chẽ hơn để chia sẻ thêm thông tin về thị trường lâm sản giúp sản xuất tốt hơn, nâng cao đời sống cũng như góp phần bảo vệ rừng”.

img

Hội thảo tham vấn thành lập hội chủ rừng Việt Nam diễn ra ngày 30.8.2015 tại  Hà Nội.   Ảnh: H.V

Theo ông Hứa Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban vận động thành lập hội cho hay: “Đa số các chủ rừng chưa rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi được giao rừng. Đến nay, cũng chưa có các tổ chức liên kết để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động rừng, các chủ rừng là tổ chức nhà nước hầu như chưa có các mối liên kết ở trên cùng địa bàn hoạt động. Bởi vậy, khi chủ rừng có nhu cầu bán gỗ thì thường bị tư thương ép giá”.

Bên cạnh đó, những chính sách mới về lâm nghiệp sẽ đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các chủ rừng. Bởi chỉ có liên kết thì mới có điều kiện để sản phẩm rừng của Việt Nam có thể hội nhập với thế giới… Nếu có Hội Chủ rừng ở các cơ sở thì việc xác định diện tích và chất lượng rừng hàng năm sẽ dễ dàng hơn. Trong hội nhập quốc tế, người thay mặt chủ rừng trong các tranh chấp kinh tế chỉ có thể là Hội Chủ rừng.

Ông Nhị cũng cho biết thêm: “Mặc dù Hội chưa ra đời nhưng nội dung đã đưa ra nhiều hình thức liên kết khác nhau ở các địa phương, hình thức liên kết bảo vệ rừng theo thôn bản... Ban vận động thành lập hội cũng đã nhận được 160 đơn đăng ký của các thành viên với mong muốn tham gia vào hội để được bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Điều đó chứng tỏ nhu cầu cần thiết liên kết các chủ rừng dưới mái nhà chung”.

Băn khoăn hội viên liên kết

   Nếu có Hội Chủ rừng ở các cơ sở thì việc xác định diện tích và chất lượng rừng hàng năm sẽ dễ dàng hơn. Trong hội nhập quốc tế, người thay mặt chủ rừng trong các tranh chấp kinh tế chỉ có thể là Hội Chủ rừng.  

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trình bày ý kiến về việc xác lập tiêu chuẩn của các hội viên liên kết. Đưa thành viên vào trong hội như vậy là quá rộng và vẫn chưa xác định được rõ tiêu chuẩn xác lập hội viên. Có đại biểu cho rằng nếu thành phần các cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ và lâm sản có đủ điều kiện để đăng ký thì sẽ thành hội viên chính thức để có thể bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nhiệm vụ và chức năng của nhóm hội viên này vẫn chưa rõ ràng cụ thể.

  TS Lê Thiện Đức – Điều phối Mạng lưới lâm sản toàn cầu tại Việt Nam trình bày ý kiến: “Hội là nơi tập trung tiếng nói của các chủ rừng bởi vậy việc xác định thành viên chính thức và thành viên liên kết phải rõ ràng hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần thiết phải có hội viên tài trợ để thu hút các tổ chức, cá nhân có khả năng tài trợ cho tổ chức hội. Mục đích cuối cùng của hội là hoạt động có hiệu quả để các thành phần hội viên đều có lợi ích công bằng và thể hiện được rõ đóng góp với tổ chức hội”.

Cũng theo các đại biểu thì lợi ích và nhu cầu liên kết của mỗi loại rừng ở mỗi địa phương khác nhau. Bởi vậy, thành phần tổ chức liên kết khi được lựa chọn cũng cần phải linh hoạt theo vùng. Ngoài ra, hội cũng cần có mối liên kết với các tổ chức, các hội, hiệp hội trong và ngoài ngành lâm nghiệp.  Các hình thức liên kết chủ rừng có sự tham gia của tổ chức nước ngoài phát triển các dự án rừng trong những năm gần đây đã có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, khi hết thời hạn dự án thì sự liên kết cũng yếu dần và không thể duy trì hoạt động được. Bởi vậy, cần có hình thức liên kết trong và ngoài hội cao hơn, rộng hơn để có thể thực hiện được các dịch vụ rừng, tư vấn nâng cao hiệu quả cho chủ rừng.

Mục tiêu của hội thảo là xin ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án thành lập Hội Chủ rừng. Các đại biểu tham gia trực tiếp góp ý về tên gọi của Ban chấp hành hội, tiêu chuẩn thành viên hội, thành viên liên kết, số lần họp ban chấp hành, ban thường vụ của hội. Nhiều ý kiến chỉ ra kinh nghiệm thành lập và hoạt động của Hội Chủ rừng ở các nước Cộng hòa Liên Bang Đức, Ba Lan để có thể định hướng tốt cho việc thành lập Hội Chủ rừng ở Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem