Đề xuất xử phạt dùng điện ít hơn đăng ký

Thứ ba, ngày 05/02/2013 07:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một đề xuất đáng chú ý của Bộ Công Thương là bên mua điện sản xuất sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện sẽ bị phạt.
Bình luận 0

Bộ Công Thương đang soạn Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi). Một đề xuất đáng chú ý ở dự thảo này là bên mua điện sản xuất sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện sẽ bị phạt.

Ngăn chặn xin nhiều dùng ít

Theo lý giải Bộ Công Thương, việc bổ sung quy định dùng ít điện hơn đăng ký sẽ bị coi là vi phạm và bị phạt nhằm tránh tình trạng lãng phí đầu tư trong trường hợp bên mua điện đăng ký công suất cao nhưng thực tế lại dùng rất thấp.

Trao đổi với NTNN về đề xuất của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Điệp - Chánh Văn phòng Hiệp hội Xi măng VN cho rằng, quy định như vậy là khó khả thi. Ông Điệp nói: “Sản xuất của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế xã hội. Doanh nghiệp nào cũng muốn phát huy hết công suất điện đã đăng ký mua nhưng sản xuất bị cầm chừng, ứ đọng hàng hóa thì không thể thực hiện được”.

img
Hiện có tình trạng điện cho sản xuất thì thừa, cho sinh hoạt lại thiếu.

Ông Điệp cho biết, hiện tại, các nhà máy xi măng đều phải sản xuất cầm chừng. Đặc biệt, những nhà máy mới đưa vào sản xuất thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gần như không thể. 1/3 nhà máy xi măng sản xuất ở dạng bình thường, có lãi một chút, lãi rất ít; 1/3 là hòa vốn; còn 1/3 nhà máy xi măng trong tình trạng lỗ, nặng nhất là các nhà máy xi măng đang đầu tư vào hoặc mới đầu tư xong. Trong tình hình đó, các nhà máy làm sao có thể sử dụng hết lượng điện đăng ký, vậy phạt sẽ như thế nào?

Trái với quan điểm của ông Điệp, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN lại cho rằng, quy định như Bộ Công Thương đề xuất là hoàn toàn đúng. “Ở đâu thì cũng phải xây dựng định mức tiêu hao điện năng, doanh nghiệp cũng vậy. Doanh nghiệp sử dụng điện ít hơn mức đăng ký thì phải chịu phạt để đảm bảo cho ngành điện cung ứng đủ điện, phân bổ nguồn điện cho toàn xã hội, từ đó thu tiền điện hiệu quả để tái đầu tư phát triển” - ông Ngãi nói.

Doanh nghiệp phải tính

Tuy nhiên, ông Ngãi cũng lo ngại việc "cào bằng" tỷ lệ phần trăm sử dụng điện như đề xuất của dự thảo sửa đổi sẽ gây khó khăn trong việc xử phạt và chưa thật công bằng. Bởi thực tế, sản xuất xi măng sử dụng điện khác với sản xuất thép do công suất mỗi ngành khác nhau. Do vậy, thay vì quy định “thấp hơn 50%”, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu các mức phần trăm khác nhau, như 40%, 30%, 20%; tùy vào sản xuất của từng ngành cụ thể, không nên quy định chung chung.

Theo Bộ Công Thương, thực tế đã xảy ra tình trạng điện cho sản xuất thì ế thừa, trong khi nhiều nơi người dân không có điện để sử dụng, rất bất hợp lý. Nhiều năm, ngành điện vẫn phải bù cho các khoản nợ khó đòi, nợ xấu của các đơn vị sử dụng điện do không có quy định chặt chẽ, trách nhiệm ràng buộc, từ đó càng thêm áp lực phải tăng giá điện.

Việc các doanh nghiệp “kêu” khó khăn, sản phẩm tồn kho nên không sử dụng hết công suất điện đã đăng ký, theo ông Ngãi là không thể được. Bởi, các doanh nghiệp phải tự tính toán, cần đối lượng điện trong hoàn cảnh của mình để đăng ký với ngành điện.

Dự thảo sẽ còn phải lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định việc quy định như trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh sử dụng điện ở VN vô cùng lãng phí. Theo thống kê của bộ này, năm 2012, để tăng trưởng 1% GDP thì Việt Nam phải mất 2,5 tỷ suất sử dụng điện, nghĩa là nguồn năng lượng sử dụng gấp đôi tăng GDP.

Chưa kể, theo hợp đồng cung cấp điện, ngành điện không cung ứng đủ điện như đã đăng ký của các đơn vị thì sẽ bị phạt hoặc vi phạm cắt điện cũng bị phạt; do vậy bên sử dụng điện cũng phải bị ràng buộc để đảm bảo việc sử dụng điện đem lại hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem