Đêm dưới những mái nhà xa lạ

Thứ hai, ngày 31/03/2014 14:00 PM (GMT+7)
Nửa đêm tỉnh giấc trong những ngôi nhà xa lạ, tôi thường tự hỏi sứ mệnh nào đưa tôi tới đây, và niềm tin nào khiến chủ nhà- những nông dân rất đỗi chân thành, mộc mạc- giữ tôi lại dưới mái nhà của họ…
Bình luận 0
Bước chân không mỏi

15 năm trước, ngay khi rời khỏi trường đại học, tôi “đầu quân” về Báo Nông Thôn Ngày Nay với tất cả lòng nhiệt tình và sức trẻ. Thời điểm đó, báo mới ra 2 số/tuần, rồi lên 3 và 4 số/tuần… Tin bài còn chưa cần nhiều nhưng phóng viên trẻ như chúng tôi phải đi liên tục, bởi lẽ đơn giản: Báo viết cho nông dân, viết về đời sống nông dân thì không thể viết kiểu salon, văn bản.

Phóng viên Lê Huyền (trái) trong một chuyến đi miền núi tại Lào Cai.
Phóng viên Lê Huyền (trái) trong một chuyến đi miền núi tại Lào Cai.

Chính vì thế, đời phóng viên chúng tôi trải dài theo những chuyến đi. Nhiều chuyến đi miền núi kéo dài cả tuần. Đi lại bằng ô tô vừa tốn kém, vừa không thể tạt ngang tạt dọc nên phương tiện di chuyển của chúng tôi thường là xe máy.

30km “chạy vù” sang Bắc Ninh hay 300km chạy lên Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La… cũng đều trông cậy vào xe máy cả. Tối đến, chỗ ngủ của tôi có thể là khách sạn, có thể nhà khách giản dị của cơ quan Hội Nông dân, hoặc UBND… nhưng đa phần là ở tại nhà dân hoặc nhà những cán bộ cơ sở đã nhiệt tình đưa tôi đi tìm hiểu thực tế, viết bài.

Những đêm đầu tiên trong đời phóng viên của tôi là ở một bản đồng bào người Mông ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Tôi vẫn nhớ rõ người cán bộ Hội Nông dân huyện Trạm Tấu năm ấy, tên là Đèo Văn Sông đưa tôi lên một bản Mông ở lưng chừng núi, tìm hiểu về nạn phá rừng. Leo tới nửa đường, trời đổ mưa và đôi chân không quen đường núi của tôi không thể nào bám đường được đã trượt một lèo xuống tận chân núi.

Khi tôi xoay xỏa thoát được khỏi cung đường trơn như đổ mỡ ấy cũng là lúc trời đêm sập xuống. Ông Sông đưa tôi vào nhà một gia đình người Mông “gửi” cho ngủ lại, còn ông đi về nhà. Đêm đó, bên bếp lửa, tôi- lần đầu tiên- được mặc váy Mông (vì quần áo mang theo ướt hết), được ăn mèn mén, được nghe kể về những phong tục người Mông và kể cả chuyện phá rừng. Hôm sau, chủ nhà dẫn tôi tới điểm mà lâm tặc đang vác gỗ chạy như con thoi tới các điểm tập kết gỗ…

Chuyến đi khác, nhân một hội nghị diễn ra ở tỉnh Lạng Sơn, tôi nghe được thông tin về tình trạng xâm canh xâm cư, chồng chéo địa giới hành chính ở huyện Tràng Định dẫn tới cuộc sống người dân gặp nhiều phiền hà (vì ở gần UBND xã này nhưng đất lại thuộc xã kia, muốn đi lấy giấy tờ, chứng thực phải đi tới 30-40km đường. Oái oăm là có cả những thôn thuộc xã này nhưng lại lọt thỏm vào đất xã khác).

Có thông tin, tôi bỏ hội nghị ra bắt ô tô quá giang lên huyện Tràng Định. Một cán bộ cơ sở là ông Nông Văn Bích nhiệt tình dẫn tôi đi vào bản- nơi đang có sự chồng chéo về quản lý. Vào tới nơi, đi được 2-3 nhà hỏi han thì trời đã bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp mây xám báo hiệu một cơn dông lớn. Ông Bích giục tôi hỏi và chụp ảnh nhanh để còn quay ra, nếu không muốn bị “nhốt” trong bản 2-3 ngày bởi mưa rừng và lũ quét.

Ngay khi quay ra, cơn mưa rừng đã đuổi theo chúng tôi. Nếu không phải là cán bộ địa bàn, có lẽ ông Bích đã không thể đi nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm ấy. Xe máy vừa chạm tới đường nhựa, trời đổ mưa như trút. Về tới nhà ông Bích đã khoảng 6 giờ tối, ông mời ở lại ăn cơm và dọn giường chiếu cho ngủ. Bên mâm cơm khề khà, ông kể rất nhiều chuyện vui buồn và oái oăm khi UBND xã phải giải quyết các vấn đề về hành chính. Những câu chuyện lúc tối muộn như vậy đã khiến bài viết của tôi nặng tâm tư hơn…

Rồi những cung đường đèo lên Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), con đường đang sửa khiến cho không loại xe nào có thể đi vào được, trừ U-oát. Gửi xe máy tại huyện Nguyên Bình, tôi đi quá giang xe cấp cứu (cũng là xe U- oát) của Trung tâm Y tế Bảo Lạc. Nhưng U-oát cũng không trụ được lâu, xe chết máy giữa đường, tôi trải qua đêm đó trong ngôi nhà gần giống như cái lều của các cô giáo bám bản dựng chơ vơ bên vệ đường. 2-3 cô ngủ chung một chiếc giường hẹp. Tôi đắp chăn cùng các cô, nghe tâm sự chuyện đời, chuyện nghề…

Niềm tin với báo “của nông dân”

Cứ thế, trong suốt chặng đường đã đi qua của đời phóng viên, tôi đã trải qua nhiều đêm trong những ngôi nhà xa lạ với những người chủ nhân tốt bụng. Những câu chuyện về đêm bên ánh lửa ở bản vắng, bên ấm trà ở những ngôi làng đồng bằng bao giờ cũng thật và rất chi tiết, nhiều nỗi lòng.

Người dân muốn gửi gắm tới Báo Nông Thôn Ngày Nay những câu chuyện, những trăn trở của họ về vấn đề sản xuất, về các chính sách xã hội, về nạn phá rừng, về việc trẻ em bị tai nạn chết quá nhiều, về những nỗi đau… Và họ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe, chia sẻ, được giải quyết thấu đáo.

Sau này tôi có nhiều dịp đi nước ngoài và nhận thấy việc mời phóng viên ngủ đêm tại nhà rất hiếm gặp. Chủ nhà thường chỉ mời bạn bè rất thân quen, hoặc có những người rất thân quen giới thiệu.

Những câu chuyện đêm ở Bảo Lạc (Cao Bằng) giúp tôi viết những bài báo về nạn tự tử bằng lá ngón của bà con, và UBND huyện đã lắng nghe, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động bà con người Mông bỏ nếp nghĩ cứ có chuyện buồn là tìm lá ngón;

Những câu chuyện đêm ở lớp học dưới gầm nhà sàn ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã giúp cho trẻ em nơi đây không còn phải học lớp tạm bởi đã được xây những lớp học khang trang hơn… Và nhiều bài báo khác đăng trên Nông Thôn Ngày Nay đã làm được “nhiệm vụ” phản hồi như vậy.

Có một lần, nửa đêm tỉnh dậy trong căn nhà của chị Thanh- một cán bộ Hội Nông dân cấp xã năng nổ ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), từng là cán bộ hội cấp xã duy nhất được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, tôi lơ mơ tự hỏi, tôi với chị chưa từng gặp mặt trước đó, vậy mà giờ đây tôi ngủ trong nhà chị (giường bên là chị và cô con gái nhỏ)…Vì sao chị lại tin tôi - một người lạ - như vậy?

Sáng hôm sau, tôi hỏi chị câu đó. Chị nói với tôi rất giản dị: “Vì em là phóng viên của Báo Nông Thôn Ngày Nay. Chị tin báo, tin em, có gì đâu mà ngại!”.
Lê Huyền (Lê Huyền)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem