Chọn Ấn Độ
Hầu hết sinh viên Ấn Độ đều ca ngợi nền giáo dục của nước này. Antoreep Gupta, sinh viên ngành Văn học Anh, Đại học Calcutta, tự hào: “Các công ty lớn đều sang Ấn tuyển sinh viên ra trường đấy”.
|
Huyền chíp từ trái qua (thứ 2) cùng sinh viên Việt Nam và Ấn Độ. |
Theo xếp hạng của US.News năm 2010, Ấn Độ có 6 trường trong top 400 trường đại học hàng đầu thế giới. Báo cáo của QS (Quacquarelli SymondsIndian) năm nay cũng xếp 10 trường đại học của Ấn Độ trong top 100 của châu Á.
Những tên tuổi như Indian Institute of Technology (Trung tâm Công nghệ Ấn Độ) với giảng đường ở nhiều thành phố của Ấn Độ bao gồm Bombay, Kanpur, New Delhi, Mandras. Các trường đại học Delhi, Hyderabad, Mumbai, Calcutta... được công nhận khắp nơi trên thế giới.
Thành phố Pune được coi là Oxford của phương Đông, hay còn gọi là thành phố sinh viên với hàng trăm trường đại học lớn nhỏ.
Phùng Huyền Nga, sinh viên ngành thương mại Đại học Sri Venkateswara ở New Delhi cho hay, Nga rất tự tin về tấm bằng đại học mình. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường này đều dễ dàng có được vị trí tốt ở những công ty lớn ở châu Âu, Mỹ, Singapore.
Vũ Mai Hương, 19 tuổi, đang học năm nhất trường Kinh doanh và Công nghệ, nghe lời khuyên của bạn bè đã đầu quân sang Đại học Delhi, chuyên ngành Kinh tế. Cô hài lòng với quyết định của mình bởi chất lượng các môn học.
Ông Phạm Văn Thảo công tác tại Thông tấn xã Việt Nam ở New Delhi, có con đang học ở Ấn Độ, chia sẻ chuyện học của con: “Cho con học ở đây tôi yên tâm. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cách dạy của bên này khiến sinh viên rất tự giác. Người ta dạy những cái rất thực tế chứ không lan man”.
Chất lượng quốc tế nhưng học phí ở Ấn Độ, do phần lớn được trợ cấp bởi nhà nước nên rất rẻ. Học phí của Nga chỉ hết khoảng 4 triệu đồng. Không chỉ trường của Nga, mà thường học phí các trường công của Ấn Độ không quá 10 triệu một năm, rẻ hơn cả chục đến cả trăm lần học phí ở Singapore, Úc hay Mỹ. Cộng cả tiền ăn ở đi lại, chi phí một năm có thể dưới 80 triệu đồng. Trường tư ở Ấn Độ thì lại khác, rất khó đoán, có khi lên tới vài trăm triệu một năm.
Chương trình đại học ở Ấn Độ cho phần lớn các ngành như quản trị, kinh tế, thương mại, nghệ thuật là 3 năm, ngành kỹ sư là 4 năm nên sinh viên ở đây có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc so với chương trình 4 - 5 năm thông thường. Việc xin visa sang Ấn Độ học đơn giản. Tuy chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam nhưng mọi người có thể dễ dàng chuyển tiếp ở Malaysia hoặc Thái Lan với nhiều hãng hàng không giá rẻ.
Những rào cản
Du học ở Ấn Độ, cũng như du học ở bất cứ nước nào, không phải toàn hoa hồng. Khó khăn lớn nhất với du học sinh Việt Nam ở đây có lẽ là đồ ăn. Không chỉ cay, đồ ăn Ấn còn sử dụng nhiều gia vị mà người Việt Nam không quen.
|
Khuôn viên một trường ĐH tại Ấn Độ. |
Một rào cản khác nữa khi học ở Ấn, đất nước trọng truyền thống với nhiều nguyên tắc, nhất là đối với phụ nữ. Các bạn gái ra đường phải ăn mặc kín đáo, tránh tiếp xúc với đàn ông và tối kỵ ra đường buổi tối.
Theo thông tin trên trang web của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, hiện có khoảng 500 sinh viên Việt Nam đang học ở Ấn Độ theo dạng tự túc. Hằng năm, chính phủ Ấn Độ cấp 30 học bổng cho chương trình sau đại học.
Nhiều bạn trẻ chưa chọn Ấn Độ để du học vì sợ khủng bố. Nga chia sẻ, trước khi đi cô cũng sợ, nhưng sang đây rồi lại thấy an toàn. “Cảnh sát kiểm tra an ninh tại siêu thị, bến tàu cao tốc nghiêm ngặt. Mỗi khi tình hình trở nên nhạy cảm, họ đều cảnh báo mình không nên đến những chỗ đông người”.
Một tính từ mà Hương rất ngán khi sống ở đây, đó là bẩn. “Bất cứ lúc nào, người dân ở đây vô tư xả rác ra đường”, Hương nói.
Ấn Độ ít có thùng rác công cộng, theo Sanjiv, một cậu bạn người Ấn của tôi cho hay, vì thùng rác công cộng cứ bỏ ra là bị lấy trộm.
Ấn Độ giáo thờ linh vật là con bò nên cũng không tránh khỏi cảnh nhiều chú bò đủng đỉnh đi ngoài đường phố, vô tư giải quyết nỗi buồn ngay giữa đường phố trong sự vui vẻ của cư dân.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.