Đến gà cũng đẻ ít đi vì nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc
Đến gà cũng đẻ ít đi vì nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc
Thứ bảy, ngày 20/08/2022 06:02 AM (GMT+7)
Nhiệt độ nóng như thiêu đốt ở Trung Quốc đã đẩy giá trứng gà leo dốc, làm tổn hại đến mùa vụ và gây thiếu điện nghiêm trọng cho cả hoạt động sản xuất lẫn đời sống sinh hoạt.
Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã ghi nhận những ngày nóng kỷ lục. Đài thiên văn quốc gia của nước này đã phải ban hành cảnh báo đỏ vào hôm 15/8.
Đợt nắng nóng không chỉ khiến con người, mà cả động vật cũng trong tình trạng căng thẳng.
Tại thành phố Hợp Phì, nông dân cho biết sản lượng trứng giảm vì nắng nóng, theo Jianghuai Morning News. Báo này cho biết thêm một số cơ sở đã lắp đặt hệ thống làm mát cho gà của họ.
Tuy nhiên, giá trứng tăng chỉ là một trong những hệ quả do nắng nóng kỷ lục gây ra. Cả các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nhiều nơi ở Trung Quốc đang phải chịu những ảnh hưởng xấu đến giá cả và sinh hoạt vì thời tiết cực đoan những ngày gần đây, theo AFP.
Đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 60 năm
Truyền thông Trung Quốc cho biết đợt nắng nóng này hiện đã kéo dài 64 ngày. Đây là cơn sóng nhiệt dài nhất kể từ khi nước này bắt đầu ghi chép tỉ mỉ về thời tiết từ năm 1961, theo dữ liệu từ Trung tâm Khí hậu Quốc gia.
Số trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ từ 40 độ C trở lên đã lên tới 262, cũng là mức cao nhất. Tám nơi trong đó có nhiệt độ đã đạt 44 độ C.
Nhiệt độ cao liên tục sẽ tiếp tục ở Tứ Xuyên và các khu vực rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc cho đến ngày 26/8, trung tâm dự báo.
Cai Wenju, nhà nghiên cứu khí hậu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (CSIRO), viện nghiên cứu khoa học quốc gia Australia, cho biết một "trường hợp đặc biệt" của áp suất cao từ vùng áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, trải dài trên phần lớn châu Á, có khả năng là nguyên nhân gây ra đợt nóng khắc nghiệt.
Lạm phát tăng vì nắng nóng
Tại Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy, giá trứng gà tăng khoảng 30% do thiếu hụt nguồn cung. Mức tăng tương tự cũng được ghi nhận ở các thành phố Hàng Châu và Hải An, theo truyền thông địa phương.
Hefei Evening News cho biết đến nay, họ đã ghi nhận được 14 ngày nhiệt độ trên 38 độ C, lưu ý rằng đây là một kỷ lục.
Dù số lượng gà đẻ ở Trung Quốc không giảm, chúng ăn ít hơn vào những ngày nắng nóng, Qianjiang Evening News giải thích.
Nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc cũng khiến nhiều vùng của nước này mất mùa, làm tăng thêm áp lực lạm phát.
"Chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ cao liên tục ở nhiều nơi, giá rau tươi tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái", Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15/8 ở Bắc Kinh.
Ông chỉ ra rằng nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra hạn hán tại một số khu vực nông nghiệp ở phía nam. Ở miền Bắc, mưa và lũ lụt cũng dẫn đến một số vụ mùa thất bát.
Khủng hoảng điện
Ngoài việc ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi gia cầm, đợt nắng nóng cũng đã buộc các nhà chức trách phân bổ lượng điện ở Tứ Xuyên, trung tâm sản xuất chất bán dẫn lớn của Trung Quốc.
Các tỉnh như Chiết Giang, Giang Tô và An Huy phụ thuộc vào nguồn điện từ miền Tây Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh hạn chế điện đối với công nghiệp, nhằm đảm bảo nguồn cung điện dân dụng, truyền thông địa phương đưa tin.
Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc vào thủy điện để tạo ra 80% điện năng, hôm 14/8 đã ra lệnh cho các nhà sản xuất lithium, phân bón và các kim loại khác đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng trong bối cảnh đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 60 năm qua.
Nhiệt độ tăng cao và ít mưa trong mùa hè này đã làm giảm sản lượng thủy điện ở tỉnh 83,75 triệu dân, đồng thời làm tăng nhu cầu điện cho điều hòa không khí.
Các nhà phân tích cho rằng nếu đợt nắng nóng kéo dài, cuộc khủng hoảng điện có thể tràn sang các tỉnh phía đông như Chiết Giang và Giang Tô, những nơi phụ thuộc một phần vào nguồn điện từ Tứ Xuyên.
Theo truyền thông nhà nước và một công ty điện lực, tỉnh Tứ Xuyên hôm 17/8 đã bắt đầu hạn chế cung cấp điện cho các hộ gia đình, văn phòng và trung tâm thương mại, do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vì nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán.
Theo tài khoản WeChat chính thức của Tập đoàn Năng lượng Đạt Châu, các khu dân cư, văn phòng và trung tâm mua sắm ở Đạt Châu, thành phố 5,4 triệu dân, đã được thông báo về việc luân phiên tắt đèn kéo dài vài giờ trong suốt ngày 17/8.
Việc cắt điện dân dụng rất hiếm khi xảy ra vì trong các đợt thiếu điện, Trung Quốc thường cắt giảm điện công nghiệp trước tiên để đảm bảo điện dân dụng.
Trong một lời kêu gọi tiết kiệm điện, các văn phòng chính phủ đã được yêu cầu không mở máy điều hòa nhiệt độ thấp hơn 26 độ C, hoặc đóng cửa thang máy ở ba tầng đầu tiên, tờ Sichuan Daily do chính quyền tỉnh điều hành cho biết trong bài báo trên trang nhất hôm 17/8.
Các đài phun nước, chương trình biểu diễn ánh sáng và hoạt động thương mại vào ban đêm sẽ bị đình chỉ, tờ báo đưa tin.
Gây nguy hại cho an ninh nước
Tại tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, nơi đang hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng, 11.000 người khó tiếp cận nước uống, trong khi hơn 140.000 hecta cây trồng bị thiệt hại, Tân Hoa xã đưa tin hôm 16/8.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết trong một thông báo ngày 17/8 rằng hạn hán trên toàn lưu vực sông Trường Giang đã "ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh nước uống của người dân nông thôn và gia súc, cũng như sự phát triển của cây trồng".
Bộ này kêu gọi các địa phương đánh giá chính xác những khu vực bị ảnh hưởng hạn hán và đưa ra kế hoạch duy trì nguồn nước, bao gồm thông qua mở dòng chảy tạm thời để chuyển nước từ những nơi có nhiều nước hơn, phát triển các nguồn mới và mở rộng mạng lưới đường ống.
Để thúc đẩy nguồn cung cấp cho hạ lưu, đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất của Trung Quốc, cũng sẽ tăng cường xả nước thêm 500 triệu m3 trong 10 ngày tới, cơ quan này cho biết hôm 16/8.
Đầu tuần này, Bộ Tài chính Trung Quốc nói rằng một số vật nuôi từ các khu vực bị hạn hán đã được tạm thời di chuyển đến các khu vực khác, đồng thời cho biết sẽ cấp 300 triệu nhân dân tệ (tương đương 44,30 triệu USD) để cứu trợ thiên tai.
Hôm 17/8, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã trở thành tỉnh mới nhất công bố chương trình điều chỉnh thời tiết trên diện rộng, triển khai máy bay bắn bạc iodide vào các đám mây để tạo mưa.
Những khu vực khác trên sông Trường Giang cũng đã triển khai chương trình "gieo hạt mây", nhưng với độ che phủ của mây quá mỏng, các hoạt động ở một số khu vực bị hạn hán tàn phá của lưu vực sông Trường Giang vẫn đang trong trạng thái chờ đợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.