Cảnh báo việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Ukraine có thể gây ra hậu quả trên toàn thế giới

Lê Phương (Newsweek) Thứ sáu, ngày 19/08/2022 15:24 PM (GMT+7)
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) ở Ukraine có thể ngừng hoạt động, điều mà một trung tướng Lực lượng vũ trang Nga cho rằng có nguy cơ dẫn đến tình trạng khẩn cấp do chất phóng xạ phát tán.
Bình luận 0
Cảnh báo việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Ukraine có thể gây ra hậu quả trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Việc ZNPP ngừng hoạt động có thể gây tác động lên toàn thế giới. Ảnh: Getty

Quân đội Nga đã nắm quyền kiểm soát ZNPP, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, vào tháng 3, và đã có nhiều lo ngại về một thảm họa hạt nhân khi ZNPP vẫn là trung tâm của cuộc giao tranh. Nhà máy liên tục bị bắn vào mùa hè này, cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công.

Các chuyên gia hạt nhân cho rằng nếu ZNPP đóng cửa có thể dẫn đến những tác động về năng lượng đối với Ukraine cũng như những lo ngại về lâu dài đối với thế giới, chẳng hạn như biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Scott Roecker, phó chủ tịch an ninh vật liệu hạt nhân tại Nuclear Threat Initiative, cho biết nếu ZNPP bị tấn công hoặc đóng cửa thì nó có thể gây ra phản ứng tồi tệ hơn nhiều so với Chernobyl.

Một khi nhiên liệu hạt nhân được sử dụng, nó sẽ được coi là "nhiên liệu đã qua sử dụng" và sau đó được lưu trữ trong lò phản ứng tại các ao chứa nhiên liệu đã qua sử dụng hoặc bên ngoài lò phản ứng trong các thùng khô. Sau vài năm, lý tưởng nhất là nhiên liệu này được chuyển đến một kho lưu trữ dài hạn. Tuy nhiên, châu Âu đã phải vật lộn với việc tìm kiếm địa điểm cho các kho lưu trữ này. Vì vậy, lượng nhiên liệu đã qua sử dụng trong hàng thập kỷ đều được lưu trữ ngay tại ZNPP.

Roecker nói: "Nếu một trong những thùng khô đó bị trúng tên lửa, nó có thể tạo ra một lượng phóng xạ lớn hơn những gì chúng ta đã thấy ở Chernobyl. Đây có thể là một sự kiện thảm khốc hơn những gì chúng ta từng thấy".

Roecker cho biết rất khó để xác định các chất phóng xạ sẽ lan truyền bao xa, vì phần lớn sự lan truyền phụ thuộc vào gió. 

Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng phòng vệ bức xạ, hóa học và sinh học của Lực lượng vũ trang Nga, hôm 18/8 cho biết Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công "khiêu khích" vào 19/8 khi Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm thành phố Odessa. Liên Hợp Quốc trước đó đã yêu cầu các lực lượng Nga phi quân sự hóa nhà máy điện này, nhưng Nga từ chối. Nếu một hành động khiêu khích xảy ra, Kirillov lập luận rằng Ukraine sẽ sử dụng cuộc tấn công để cáo buộc Nga khủng bố hạt nhân.

Ông Kirillov cho biết Lực lượng Vũ trang Nga đã ra lệnh cho Cầu Pháo binh Độc lập số 44 "sẵn sàng hành động trong điều kiện khu vực bị ô nhiễm phóng xạ" vào ngày 19/8, theo bản dịch tiếng Anh của tuyên bố được đăng trên Telegram. Các cuộc tấn công, theo Kirillov, dự kiến sẽ được phát động từ Nikopol, một thành phố cách nhà máy khoảng gần 200km.

Mặc dù vậy, Michael Golay, giáo sư khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết một thảm họa tương tự Chernobyl không có khả năng xảy ra.

Ông lập luận: "Các thiết kế của ZNPP khác biệt so với Chernobyl".

Golay nói thêm rằng việc ZNPP ngừng hoạt động sẽ có hậu quả lớn hơn nếu nó xảy ra trong những tháng mùa đông khi cần nhiều nhiên liệu để sưởi ấm các ngôi nhà. Mặc dù ZNPP là nhà máy lớn nhất ở châu Âu, có ba nhà máy hạt nhân khác với nhiều lò phản ứng ở Ukraine, tuy nhiên những nhà máy này có thể không đáp ứng hết công suất phục vụ của ZNPP.

Năng lượng hạt nhân thải ra ít khí nhà kính hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Golay và Roecker cho rằng nỗi sợ năng lượng hạt nhân lan rộng có thể dẫn đến việc cắt giảm các nhà máy hạt nhân, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Golay nói: "Trái đất đang nóng lên, và chúng ta không có cách nào để ngăn chặn nó ngoại trừ việc ngừng đưa thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Điều tốt đẹp về hạt nhân là nó không thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính".

Golay cho biết nếu xã hội ngày càng sợ hãi việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân, điều đó có thể dẫn đến việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, do đó làm tăng thêm nhiều khí nhà kính vào bầu khí quyển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem