Bảo tàng Ngô có mặt bằng 9.000 feet vuông (xấp xỉ 3.000 mét vuông), nằm ngay khuôn viên của Bảo tàng quốc gia Indinapolis (thủ phủ của bang). Đập vào mắt du khách khi bước chân đến bảo tàng là bức ảnh một cánh đồng ngô xanh mướt, thân ngô mập mạp, cao quá đầu người, chạy tít tắp đến tận chân trời. Bên cạnh đó là dòng chữ được coi như slogan của bảo tàng: “Sự kỳ diệu Ngô: Khoa học, lịch sử và văn hóa” (Amaging Maize: The scient, history and culture of corn).
|
Thổ dân da đỏ gọi ngô là Mẹ (Mother Maize). |
Đúng là đến thăm Bảo tàng Ngô, người ta có thể được cung cấp những kiến thức toàn diện về cây ngô. Nào là hình ảnh những cây cỏ ngô (teosinte) – tiền thân của cây ngô sau này, mọc tại các triền sông Balsas miền trung Mexico cách đây 10.000 năm.
Những chiếc rìu đá thô sơ mà các bộ tộc thổ dân Hopi đã dùng để gieo, trỉa hạt ngô từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Thời xa xưa đó, ngô là lương thực chính cho cả vùng Trung Mỹ, nuôi sống những thổ dân da đỏ suốt hai bờ đông – tây của nước Mỹ sau này, góp phần tạo nên sự thống nhất về chủng tộc và văn hóa của cả vùng. Nền văn minh huy hoàng của người Maya tôn vinh ngô như Thượng đế, gọi là Mẹ Ngô.
Đến cuối thế kỷ 15, theo chân Columbus Christopher, những hạt ngô giống đầu tiên lên đường sang châu Âu, rồi sau đó sang châu Á, châu Phi… Cho đến ngày nay, ngô góp mặt trong hàng nghìn sản phẩm phục vụ con người trên toàn thế giới: Ngô làm thức ăn cho con người và gia súc (trong đó đối với Mexico hoặc nhiều vùng ở châu Phi ngô là lương thực chính); ngô ngọt nấu món siro ngô nổi tiếng; rượu wisky được nấu từ ngô; hạt ngô được dùng trong các ngành công nghiệp như dệt vải, sợi, giấy, chất dẻo tổng hợp; các loại xe ô tô sang trọng như GM hoặc Ford ở các nước tiên tiến hiện nay đều chạy bằng xăng sinh học ethanol chế biến từ ngô v.v và v.v… Một thống kê cho thấy hiện nay 1 người Mỹ mỗi ngày tiêu thụ hết 25 cây ngô.
|
Những dụng cụ gieo hạt ngô bằng đá của thổ dân khu vực triền sông Missisipi và người Hopi thế kỷ thứ 5. |
Du khách cũng có thể đặt chân vào cái gọi là “Ngôi nhà xanh công nghệ cao” – một dạng phòng thí nghiệm dành cho ngô. Ở đây, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm… được kiểm soát chặt chẽ. Các nhà khoa học gieo những hạt giống ngô với các chuỗi ADN khác nhau, kiểm soát mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển của ngô: Từ tốc độ lớn, độ kháng bệnh, sản lượng, tính chịu nước, chịu nóng… Vài thập niên gần đây, công nghệ sinh học đã tạo ra những bước nhảy vọt cho ngành Ngô. Hiện nay, hơn 80% các cánh đồng ngô ở Mỹ được trồng những giống ngô biến đổi gen.
|
Tác giả trước lối vào bảo tàng ngô ở Indianapolis. |
|
Các loại ngô khác nhau dùng để làm bỏng ngô. |
Tôi thấy bảo tàng rất đông khách. Những ông chủ trang trại mặc quần bò, có đôi bàn tay thô ráp, chắc đã nhiều năm lao động quần quật trên những cánh đồng ngô. Những đứa trẻ tròn xoe mắt theo dõi quá trình sản xuất bỏng ngô, hoặc thích thú trèo lên lái thử chiếc máy kéo. Những du khách đến từ châu Âu, châu Á tấm tắc khen ngợi những tay đòn dài tới hơn 10 mét, buồng lái có gắn thiết bị định vị vệ tinh của chiếc máy gặt đập liên hợp ngô đời chót… Trong số khách tham quan có người đã rất thân thuộc với cây ngô. Cũng có những người chắc lần đầu tiên được tiếp xúc kỹ thế này. Nhưng cảm nhận rất rõ một điều, ai cũng vô cũng thích thú.
Nói như ông Tom King – Giám đốc bảo tàng: “Những hiện vật của chúng tôi không chỉ cung cấp thông tin, mà quan trọng hơn, nó còn kể một câu chuyện sinh động về mối quan hệ gắn bó giữa con người với ngô – như là hai sản phẩm của Tạo hóa, đã gặp nhau và đồng hành qua bao thăng trầm lịch sử, về tình yêu và sự tôn trọng của con người với một loại cây trồng đã nuôi nấng, phục vụ mình”.
Nhìn cây ngô được xứ người tôn vinh, chợt chạnh lòng thương cho hạt gạo nước mình. Từ ngàn đời nay nuôi sống cả dân tộc, ngày nay mỗi năm xuất khẩu mang lại hàng tỷ đô la lợi nhuận. Hạt gạo cũng xứng đáng được tôn vinh trong một bảo tàng lắm chứ. Biết bao giờ có đây ? Đó là chưa kể tới hạt cà phê, hạt điều, con tôm, con cá…
Cây ngô - có thể bạn chưa biếtHiện nay ngô vẫn là cây lương thực đứng đầu thế giới về diện tích gieo trồng, vượt cả lúa mì, lúa mạch. Hiện toàn thế giới có khoảng 33 triệu hecta ngô.
Sản lượng ngô toàn thế giới năm 2012 ước đạt 900 triệu tấn, trong đó Mỹ chiếm gần 40%, tiếp theo là Trung Quốc (21%), châu Âu (7%), Brazil (6%)…
Bộ gen ngô có 50.000 – 60.000 gen nằm rải rác trong 2,5 tỷ bazơ (các phân tử tạo ra AND), mỗi gen lại có 10 nhiễm sắc thể (để so sánh, bộ gen người chứa khoảng 2,9 tỷ ba zơ và 26.000 gen).
Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)
Lưu Quang Định
Vui lòng nhập nội dung bình luận.