Nhiều cây xanh bị đốn hạ trên đường 32 đoạn qua xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội)
Mới đây, trong đợt ra quân dọn dẹp, lập lại trật tự vỉa hè, UBND xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) đã chặt hạ rất nhiều cây xanh trên dọc đường Quốc lộ 32.
Theo quan sát của PV, trên quốc lộ 32 đoạn qua thôn Phố Thú Y (thuộc xã Đức Thượng), chừng 30 cây xanh bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc. Điều kì lạ là có những cây nằm sâu trong vỉa hè, không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng bị chặt.
Những cây bị chặt hạ chủ yếu là bàng, xoan đào, sữa… Tuy nhiên, điều khiến người dân khó hiểu hơn cả là có nhiều cây cùng chủng loại nằm trên cùng một đoạn đường nhưng không bị chặt.
Bà P.T.O (SN 1981, thôn Phố Thú Y) cho hay, từ năm 2005, khi quốc lộ 32 được mở rộng, người dân đã trồng nhiều cây xanh trước cửa nhà để lấy bóng mát. Từ đó đến nay, các cây phát triển rất tốt và không ảnh hưởng gì đến việc đi lại của người đi bộ.
“Nhà tôi không nhận được thông báo gì về việc chặt cây. Người ta cứ đến chặt và nói để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng tôi không hiểu vì sao mà cây trước nhà tôi thì chặt mà chỗ khác thì để lại”, bà O. nói.
Đứng gần đó, bà N.T.T (SN 1984) tiếp lời: “Nhiều nơi thì người ta khuyến khích trồng cây. Cây xanh như “lá phổi” chống ô nhiễm vậy mà người ta chặt đi không thương tiếc. Thử hỏi trồng lại đến bao giờ mới được những cây như thế”, bà T. nói.
Người dân cho rằng, nhiều cây vẫn đang phát triển bình thường và thẳng hàng nhưng cũng bị chặt bỏ
Nhiều cây nằm sâu trong vỉa hè, không ảnh hưởng đến hành lang giao thông cũng bị chặt
Có 2 cây xoan đào trước cửa nhà bị chặt, ông Phạm Thế Hưng (trưởng thôn Phố Thú Y) cũng tỏ ra bức xúc. Ông cho rằng, lực lượng chức năng xã đã không làm đúng với chỉ đạo 197.
Theo ông, trong chỉ đạo 197 xã gửi đến các thôn từ ngày 8/3 chỉ có yêu cầu các hộ gia đình không vi phạm lợp mái che, mái vảy lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đường quốc lộ, đường liên thôn, liên xã để kinh doanh.
“Chỉ đạo không hề nhắc đến việc chặt cây. Trong khi các hạng mục khác như bậc tam cấp, bục tê tông, biển hiệu, mái che lấn chiếm vỉa hè chưa xử lý họ đã cho quân đi chặt cây”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, những cây bị chặt bỏ còn to, thẳng và phát triển tốt hơn những cây đang để lại. Thậm chí, hộ gia đình ông Sanh có cây bàng trước cửa muốn được chặt bỏ nhưng lực lượng xã không chặt mà chỉ cho cắt tỉa cành.
Một vài cây bàng vẫn tồn tại trên vỉa hè nhưng không bị lực lượng chức năng chặt bỏ
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Đức Thượng cho biết, việc chặt một số cây xanh là thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.
"Tuyến đường 32 qua xã chúng tôi là điểm nóng về tai nạn giao thông nên những cây hạ vi phạm hành lang an toàn giao thông sẽ được cắt tỉa hoặc chặt bỏ để đảm bảo an toàn", ông Thuấn nói.
Liên quan đến việc một số cây xanh cùng chủng loại với cây bị đốn hạ như hoa sữa, xoan đào không bị đốn hạ. Ông Thuấn khẳng định: “Những cây đẹp chúng tôi vẫn giữ lại, chỉ những cây bị gãy ngọn, cành thấp xòa ra đường ảnh hưởng đến giao thông thì chúng tôi mới xử lý”.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Chung – Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, phía huyện đã nắm được tình hình vụ việc và sẽ mời xã lên làm việc để nghe báo cáo.
Ông Nguyễn Hoàng Trường – Phó CT UBND huyện Hoài Đức cho biết, theo đề án 197 của UBND TP Hà Nội, từ ngày 10/3, các xã trên địa bàn huyện Hoài Đức đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, trong đề án 197, không có từ ngữ nào là chặt cây xanh cả, thậm chí cây đô thị hay không phải cây đô thị cũng không được chặt. Việc làm của chính quyền xã Đức Thượng là chủ quan, sai quy trình và ý thức không đầy đủ nên mới tiến hành chặt bỏ các loại cây này.
“Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền xã Đức Thương tiến hành làm biên bản giải trình về vụ việc. Quan điểm của UBND huyện là sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che cho các sai phạm và phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật của vấn đề, không quanh co với sai phạm do mình gây ra”, ông Trường thẳng thắn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.