Tại hội thảo khoa học "Kết quả nghiên cứu mới về tác hại của chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam" do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức, PGS-TS Lê Kế Sơn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33) cho biết, các nghiên cứu lại một lần nữa khẳng định tính phức tạp, độc hại của dioxin. Chính vì vậy yêu cầu cần phải có sự đầu tư thích đáng, liên kết chặt chẽ và hợp tác quốc tế trong phòng chống ô nhiễm dioxin.
Các chuyên gia rà phá bom mìn và xử lý ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: I.T
Theo các báo cáo, từ năm 1961-1972, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam hơn 79 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có 46 triệu lít có chứa dioxin. Ước tính, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người được công nhận là nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, hơn 70.000m3 đất và trầm tích tại “vùng nóng” nhiễm dioxin với nồng độ trên 1.000 lần mức cho phép. Vì vậy, con người sống quanh khu vực bị ô nhiễm vẫn bị phơi nhiễm hằng ngày và còn kéo dài nếu không có biện pháp hạn chế và khắc phục có hiệu quả. Các cây- con được nuôi trồng trên các mảnh đất nhiễm dioxin cũng có khả năng phơi nhiễm dioxin và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ.
Các nghiên cứu cũng một lần nữa khẳng định sự độc hại lâu dài của dioxin đối với sức khỏe con người. Chất độc dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp cho cơ thể con người, làm phát sinh nhiều loại bệnh lý nặng nề như các bệnh về ung thư, bệnh lý tim mạch, bệnh lý cơ quan hô hấp, thần kinh, máu và cơ quan tạo máu, bệnh lý da, nội tiết, cơ quan sinh sản, làm suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh cho thế hệ sau. Phơi nhiễm dioxin có nguy cơ tác động đến tuyến giáp và các hóc-môn tuyến giáp ở những người dân sinh sống quanh điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.
“Cần có sự chung tay của cộng đồng kể cả các tổ chức trong và ngoài nước mới có thể tìm được các giải pháp để giảm thiểu tác hại của dioxin. Từ việc nghiên cứu khoa học, giúp đỡ nạn nhân, nâng cao năng lực đến công nghệ xử lý, phục hồi môi trường…” – PGS-TS Lê Kế Sơn cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.