Thực tế, không chỉ phố cổ của Hà Nội quá tải về số dân mà 6 quận trung tâm của Thủ đô cũng đang bị quá tải dân số nặng nề.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số gia đình trẻ em, mật độ dân số Hà Nội có sự tương phản sâu sắc. 6 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân) có mật độ siêu cao, từ 20.000 người đến gần 40.000 người/km2, trong khi có những huyện mật độ dân chỉ 1.000 hoặc dưới 1.000 người/km2.
Sự tập trung quá lớn dân cư vào một số quận “lõi” của Thủ đô đã gây nên nhiều “vấn đề đô thị”, trở thành nỗi ám ảnh của các nhà hoạch định chính sách và người dân. Do vậy, theo ông Cử, muốn giải quyết vấn đề quá tải thì Hà Nội còn phải giải quyết “điều hòa dân số” nhiều hơn nữa, không chỉ ở phạm vi phố cổ, dù đề án dãn dân phố cổ là một ví dụ tốt.
Theo GS Cử, yếu tố cơ bản quyết định thành công việc dãn dân là việc làm và thu nhập. Người dân phố cổ và nhiều quận trung tâm của thành phố chen lấn, sống chật chội song nhiều người vẫn tình nguyện sống, vì ở đó, họ có việc làm và thu nhập khá dễ dàng. Chưa kể, các dịch vụ xã hội cũng phân bổ không đồng đều mà tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm lõi của thành phố, cũng dẫn tới dòng người tập trung về đó sinh sống đến quá tải, theo kiểu “thóc đến đâu bồ câu đến đấy”.
Không chỉ phố cổ của Hà Nội quá tải về số dân mà 6 quận trung tâm của Thủ đô cũng đang bị quá tải. Nguồn: Internet
Để điều hòa tốt vấn đề dân số cho thành phố Hà Nội, các chuyên gia cũng hiến kế, trước hết phải bắt đầu từ các chính sách của Chính phủ. Các cơ sở kinh tế xã hội đều do Nhà nước đầu tư, hoặc phê duyệt cho phép đầu tư. Vì vậy, chính quy hoạch của Nhà nước là nhân tố quyết định định hướng “điểm đến” cho người dân sinh sống.
Được biết, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, quận sẽ khởi công công trình khu nhà dãn dân phố cổ vào quý IV/2014 và hoàn thành vào năm 2016.
Mục tiêu của đề án dãn dân nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha - là mật độ theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ với khoảng 26.200 dân.
Theo UBND Hà Nội, phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, có diện tích 81ha, mật độ dân số 840 người/ha (tổng dân số trên 66.000 người). Mật độ dân số quá cao khiến hệ thống cơ sở kỹ thuật quá tải, ô nhiễm môi trường.
Đối tượng mua nhà ở dãn dân được xác định là các hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực phố cổ theo đề án dãn dân phố cổ được phê duyệt. Giá bán nhà không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã phê duyệt và lợi nhuận định mức 10% so với chi phí đầu tư xây dựng. Với các hộ gia đình trong diện phải di dời, dãn dân ra ngoài khu phố cổ nhưng không đủ điều kiện tài chính để mua nhà ở dãn dân theo tiêu chuẩn sẽ được xem xét thuê nhà hoặc thuê mua.
Sau thời hạn 1 năm kể từ thời điểm hoàn thành công trình, các hộ trong danh sách di dời ra ngoài khu vực phố cổ mà không ký hợp đồng mua bán nhà ở thì nhà đầu tư được phép bán nhà cho các đối tượng mua nhà xã hội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong trường hợp không có hoặc bán không hết thì được bán cho các đối tượng mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Nhà đầu tư cũng được phép kinh doanh thương mại với 15% diện tích sàn xây dựng nhà ở tại khu dãn dân.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, quy mô dân số Hà Nội tăng lên không ngừng, so với các nước ASEAN, Hà Nội có quy mô dân số lớn thứ 3 và tỉ lệ dân Thủ đô so với dân cả nước đứng thứ 5 - chỉ có 7,7%, thấp hơn cả Campuchia (16,4%) và Lào (11,5%). Mật độ dân số Hà Nội tính chung trên toàn thành phố chỉ bằng khoảng 1/3 mật độ dân số thủ đô Tokyo (Nhật Bản), chưa phải là mật độ cao nhất nước. Song, Hà Nội đang phải chịu cảnh tắc đường, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.