Hà Nội: 3.400 lượt xe khách/ngày cao điểm
Dịp Tết Dương lịch năm nay, người dân sẽ được nghỉ 3 ngày từ 1 – 3.1.2016, còn dịp Tết Nguyên đán số ngày nghỉ kéo dài 9 ngày từ 6.2 – 14.2.2016. Các bến xe dự kiến sẽ có 2 đợt cao điểm, đợt 1 vào chiều ngày 31.12.2015 và sáng ngày 1.1.2016; đợt 2 vào chiều ngày 29.1 – 6.2.2016 và 10 ngày sau Tết Nguyên đán đối với các tuyến đường dài.
Các nhà xe úp mở về việc áp dụng phụ thu đợt cao điểm Tết Dương lịch (Ảnh minh họa chụp tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội). Ảnh: Đ.D
Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: “Dự kiến lượng khách đi lại dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 20 – 40% so với ngày thường. Trong dịp Tết Dương lịch sắp tới lượng khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường, một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai,… có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ ở một số thời điểm”.
Tuy nhiên, ông Tùng Anh cho biết các phương tiện vận tải tại các bến xe mới đang hoạt động bình quân hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện. Vì vậy lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Dịp Tết Nguyên đán, lượng khách có thể tăng 30 – 50% so với ngày thường, các bến xe đã chủ động xe dự phòng tăng cường để vận chuyển hết hành khách trong ngày. Đồng thời các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến ngắn. Ông Tùng Anh cho rằng lượng hành khách năm nay sẽ ít có khả năng gây quá tải tại bến xe.
Theo đó, Bến xe Giáp Bát sẽ bố trí 1.150 lượt xe/ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường) để phục vụ 25 – 30 nghìn khách/ngày; Bến xe Mỹ Đình dự kiến 1.580 lượt xe/ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường chủ yếu là các chặng ngắn; Bến xe Gia Lâm bố trí 700 lượt xe/ngày.
TP.HCM: Khó tăng đột biến
Mặc dù thời gian nghỉ Tết Dương lịch 2016 được nghỉ 3 ngày liên tục (từ ngày 1 – 3.1.2016) nhưng theo dự báo, rất khó xảy ra tình trạng khách tăng đột biến tại các bến xe khách liên tỉnh của thành phố.
Tại Bến xe Miền Đông, bến xe khách liên tỉnh lớn nhất thành phố nhưng trong dịp này lượng khách đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên dự kiến không tăng cao.
Ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, trong dịp này hành khách chủ yếu đi nhiều trên các chặng có cự ly ngắn, trung bình từ các tỉnh Bình Định trở vào Nam và khu vực Tây Nguyên. Các tuyến đi các tỉnh có khu du lịch, khu vui chơi giải trí như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt,... dự kiến khách sẽ đi đông hơn.
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết công tác chuẩn bị phương tiện phục vụ khách được đảm bảo. Với việc điều động xe chạy lệch tuyến và cấp lệnh vận chuyển, cấp phù hiệu cho xe tăng cường sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách.
Còn ở khu vực miền Tây, do chủ yếu là các tuyến ngắn nên người dân sẽ lựa chọn về quê bằng xe gắn máy. Chính vì vậy lượng khách qua bến dự báo cũng không tăng đột biến.
Theo ông Trần Văn Phương - Giám đốc Bến xe Miền Tây, lượng khách qua bến có thể sẽ tăng từ 30 – 40% so với ngày thường, ước đạt từ 38.000 – 40.000 khách/ngày. Các tuyến có lượng khách tăng cao từ TP.HCM đi các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Đại diện các bến xe cho biết trong dịp Tết Dương lịch giá vé xe khách không tăng.
Riêng phà Cát Lái (nối TP.HCM – Đồng Nai) trong các ngày từ 1 – 3.1.2016 sẽ tăng thêm khoảng 80 chuyến phà/ngày, dự kiến đạt khoảng 250 chuyến/ngày. Còn theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, để đảm bảo việc đi lại của người dân, sở sẽ ngừng đào đường từ ngày 31.12.2015 đến hết ngày 1.1.2016. Song song đó, Sở cũng chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra tình trạng đưa rước khách trái phép, các hành vi gây cản trở giao thông…
Yêu cầu kê khai lại giá cước
"Sau khi nhiều tuyến đường bộ tăng phí, các nhà xe cũng đã có đề xuất tăng giá vé nhưng hiện vẫn chưa thực hiện, vẫn áp dụng mức giá như trước đây”.
Ông Nguyễn Hữu Thắng
|
Ông Nguyễn Hữu Thắng – Nhà xe Hiếu Trung chạy tuyến Bến xe Nước Ngầm – Hà Tĩnh cho biết giá vé ngày thường là 190 nghìn đồng/lượt, vào đợt cao điểm có thể sẽ áp dụng mức phụ thu theo quy định của Sở Tài chính. Ông Thắng cũng cho biết thêm, sau khi nhiều tuyến đường bộ tăng phí, các nhà xe cũng đã có đề xuất tăng giá vé nhưng hiện vẫn chưa thực hiện, vẫn áp dụng mức giá như trước đây.
Trong khi đó, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải phải kê khai lại giá cước phù hợp với tình hình giảm giá nhiên liệu thời gian qua. Cụ thể, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cước và thực hiện kê khai giá tại các đơn vị vận tải đường bộ.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải kê khai lại giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Trong đó phải kê khai rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải (có chi phí nhiên liệu) để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra.
Các Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, đặc biệt là thời gian phục vụ vận tải Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Các Sở GTVT phải báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm về Bộ GTVT trước ngày 20.1.2016 (đối với báo cáo kết quả Tết Dương lịch) và 23.2.2016 (đối với kết quả Tết Nguyên đán).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.