![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2010/images/2010-09-08/1435960285-mua-20ha-20noi-20.jpg) |
Cảnh ngập lụt ở Hà Nội hồi tháng 7-2010. |
Dùng ý thức xua mây đuổi mưa?
Những ngày qua, dư luận xôn xao việc dị nhân Nguyễn Vũ Tuấn Anh - nhà nghiên cứu Lý học Đông phương có thể dùng ý thức để “xua mây đuổi gió”. Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh: "Các nhà khoa học trong thí nghiệm vật lý lượng tử đã thừa nhận rằng ý thức con người tác động được đến các hạt proton.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh là nhà nghiên cứu của Trung tâm Lý học Đông phương - một tổ chức phi chính phủ, chuyên nghiên cứu về lý học phương Đông, trực thuộc T.Ư Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam (SEARAV), hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, tự nguyện, tự quản và hạch toán kinh tế độc lập.
Mà cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này.
Đó chính là nguyên lý lý thuyết tôi khẳng định mình có thể quyết định mưa hay không. Tôi tin vào khả năng của mình có thể xua mây đuổi mưa trong vòng 7 ngày để Hà Nội có thể đón những ngày đại lễ trong tiết trời mát mẻ, không mưa”.
Trước đó, lo ngại thời tiết xấu, mưa to gió lớn sẽ xảy ra trong những ngày tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có nhiều ý kiến cho rằng nên thực hiện công nghệ bắn mây xua mưa để tạo nên thời tiết lý tưởng cho những ngày trọng đại.
Vậy nhưng kinh phí để thực hiện công việc này rất tốn kém, xấp xỉ 20.000 tỷ đồng cho một lần bắn mây. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng đây là phương án “ngốn” quá nhiều tiền bạc và khó khả thi. Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng thống nhất không bắn mây xua mưa.
Về ý tưởng xua mây, đuổi mưa của mình, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, tuyên bố ông sẽ không nhận bất cứ một thù lao nào cho công việc này. Ông cho rằng là một người con của Thủ đô yêu dấu thì phải có đóng góp gì đó cho Thủ đô nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thiếu cơ sở khoa học
Trao đổi về ý tưởng táo bạo này, hầu hết các nhà khoa học cho rằng, chuyện "ngăn mưa, đuổi bão" cho Hà Nội suốt 7 ngày đại lễ là chuyện hoang đường của những người hoang tưởng.
TS Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư (NCHMF) cho hay: “Mấy ngày nay Trung tâm Dự báo cũng xôn xao và bàn luận nhiều đến thông tin này. Việc xua mây đuổi mưa đã được các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc thực hiện từ nhiều năm trước nhưng bằng công nghệ hiện đại, tân tiến và rất tốn kém tiền bạc. Chuyện ông Tuấn Anh có thể dùng ý thức để xua đuổi mây mưa là hoàn toàn không có cơ sở khoa học”.
PGS-TS Vũ Thanh Ca - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, người đã có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực gây mưa nhân tạo cũng như các công nghệ bắn mây xua mưa cho rằng: “Việc ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nhà nghiên cứu Lý học Đông phương đưa ra lý giải rằng ý thức con người tác động được đến các hạt proton.
Các cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này” chứng tỏ ông ấy không hiểu một chút nào về quá trình gây mưa cả”.
PGS-TS Vũ Thanh Ca cho hay quá trình đó người ta gọi là quá trình vi vật lý xảy ra trong mây, nó bao gồm các quá trình đóng băng, bốc hơi, ngưng hoa... chứ không phải quá trình liên quan đến proton như ông Tuấn Anh nói. “Tôi cho rằng việc ông Tuấn Anh nói có thể dùng ý thức con người để xua mây đuổi mưa đó là phát biểu hoang đường và thiếu cơ sở khoa học” - ông Ca khẳng định.
Đồng nhất với quan điểm trên, GS - TS khoa học Nguyễn Đức Ngữ (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn- Bộ TN&MT) cho hay: “Tôi không hề biết ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nếu cho rằng ý thức con người quyết định được cơn bão, mưa hay nắng thì sao lại không "đuổi" được mấy cơn bão vừa rồi để cứu VN? Hay sao không "phá" trận mưa lớn tại Hà Nội ngày 13-7 vừa qua, không ngăn biến đối khí hậu, không ngăn việc Trái đất đang nóng lên?”.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.