Xe buýt nhanh sắp đưa vào vận hành, khai thác.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (PC67 Công an TP.Hà Nội), cho biết, Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông, nếu người điều khiển ô tô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đối với xe máy, xe máy điện sẽ bị phạt từ 300-400 nghìn đồng.
Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh sẽ chính thức vận hành, đưa vào khai thác. Các làn đường dành riêng cho buýt nhanh Hà Nội BRT từ Ba La - Quang Trung (quận Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh.
Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội cho hay, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo cho phương tiện biết; phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.
“Tuy nhiên, nếu hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh xử phạt nguội”, ông Hà nói.
Tuyến buýt nhanh (Kim Mã - Yên Nghĩa) dự kiến sẽ đưa khai thác năm 2008 nhưng đến nay đã chậm tiến độ gần 10 năm.
Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Cả chặng đường Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km.
Dự án có tổng vốn đầu tư 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.