Ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) cho biết, hiện có rất nhiều thị trường cho lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu, có kiến thức thì lao động sẽ lựa chọn được thị trường xuất khẩu lao động phù hợp.
“Trước hết, lao động phải căn cứ vào trình độ, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hiện có. Tiếp sau đó là cân nhắc đến chi phí trước khi đi để xem khả năng kinh tế có chịu đựng được không. Cuối cùng là cân nhắc đến mục tiêu đặt ra là đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền hay đi xuất khẩu lao động để học tập kỹ năng, tích cóp sau này về quê lập nghiệp” – ông Trào nói.
Trước khi đi xuất khẩu lao động, người lao động nên xin tư vấn kỹ về thị trường đi làm việc. Ảnh: Internet
Còn ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) cho biết, thường lao động Việt Nam trước khi đi xuất khẩu lao động ít đặt mục tiêu học tập, hay nâng cao kỹ năng công việc. Họ chỉ quan tâm nhiều tới vấn đề thu nhập, do vậy, cứ thị trường nào thu nhập cao, dễ đi là họ chọn.
“Dẫn đầu thị trường được lao động chọn lựa là Đài Loan, Hàn Quốc, tiếp sau đó là Nhật Bản, Ả-rập Xê-út” – ông Tân liệt kê.
Tuy nhiên nhìn vào bảng xếp thứ tự các thị trường hút nhiều lao động Việt Nam có thể thấy rằng, lao động Việt Nam chủ yếu chỉ đi được những thị trường dễ tính, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Mặc dù mức lương ở thị trường này không cao và chỉ dao động trong khoảng từ 12 -15 triệu đồng/1 tháng kể cả tăng ca, nhưng do dễ đi, chi phí không quá cao (hơn 100 triệu) nên lao động Việt Nam dễ tiếp cận.
Tương tự như vậy, thị trường Hàn Quốc, mặc dù khó đi do phía bạn khống chế số lượng, chương trình thi cử nghiêm ngặt nhưng bù lại mức lương lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thị trường khác như Đài Loan, Ả - Rập Xê - út nên lao động thích đi.
“Từ thực tế đó có thể thấy rằng, lao động Việt Nam thường đặt mục tiêu kiếm tiền làm mục tiêu đầu tiên khi đi xuất khẩu lao động. Những mục tiêu khác như học tập, nâng cao tay nghề, mở rộng hiểu biết… đều được xếp sau” – ông Tân nói thêm.
TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, lao động trước khi đi xuất khẩu lao động cần phải nghiên cứu thật kỹ về các thị trường lao động, từ đó soi chiếu vào khả năng, nguồn lực mà mình có để đưa ra quyết định phù hợp.
“Ví dụ nếu bạn là lao động có tay nghề, hoặc trình độ, bạn có thể đăng ký tham gia chương trình Thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản. Nghiên cứu mới đây của VEPR cho thấy, lao động tham gia chương trình không chỉ có được nguồn thu nhập đáng kể (hơn 20 triệu/tháng, tiết kiệm được 500-700 triệu/hợp đồng 3 năm) mà còn có cơ hội được học tập nâng cao kỹ năng nghề. Như vậy, khi về nước bạn có thể tiếp tục làm việc, có cơ hội nhận mức lương chẳng thua kém so với lúc làm ở Nhật. Ngược lại, nếu bạn chỉ là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, bạn đặt mục tiêu đi xuất khẩu lao động chỉ để kiếm tiền thì bạn có thể chọn thị trường để đi như Hàn Quốc, Đài Loan, Ả-rập Xê-út”, TS. Thành nói.
Một thông tin cần thiết nữa cho tất cả lao động khi đang có ý định đi xuất khẩu lao động chính là hãy tìm đến các cơ quan quản lý về vấn đề này như: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước, sở hoặc phòng LĐTBXH các địa phương để được tư vấn, giới thiệu về các chương trình đi xuất khẩu lao động, tránh trường hợp bị cò mồi, lừa đảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.