"Địa ngục" chim trời: Phó Chủ tịch Long An chỉ đạo làm kiên quyết (Kỳ 4)

Quân Anh – Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 20/03/2020 08:00 AM (GMT+7)
"Vừa qua, nhiều đồng chí ở Thạnh Hóa còn bị hăm dọa, nên có anh em cũng sợ, chùn bước. Nhưng tôi hứa với các đồng chí, tỉnh sẽ chỉ đạo kiên quyết để dẹp tình trạng này thời gian tới", ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - khẳng định với PV.
Bình luận 0

img

Một chú khỉ hoang bày bán khá công khai trong chợ chim Thạnh Hóa, Long An. (Ảnh: Nhóm P.V)

“Địa ngục" chim trời chỉ cách Hạt Kiểm lâm 1km!

Những ngày qua, loạt bài "Địa ngục" chim trời ở Thạnh Hóa, Long An" đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, với nhóm PV điều tra, sau khi thực hiện loạt bài, vẫn còn nhiều điều khiến chúng tôi thấy băn khoăn. Trong quá trình thực hiện loạt bài này, trong nhóm phóng viên và tòa soạn vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ: Vì sao "địa ngục" chim trời này tồn tại ngang nhiên bao lâu nay mà không được giải quyết rốt ráo? Vì sao phải tới khi Cục Kiểm lâm Việt Nam trực tiếp vào thì mới xử lý rốt ráo được một số tụ điểm nóng trong chợ?

Đầu tiên cần khẳng định là thủ đoạn của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã ở chợ chim trời Thạnh Hóa, Long An là rất công khai. Cả một khu chợ với quy mô lớn được hình thành trong nhiều năm, hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật sát quốc lộ 62, chỉ cách TP.HCM hơn 60km, giao dịch luôn tấp nập. Chợ cũng cách Hạt Kiểm lâm huyện chỉ khoảng 1 km. 

Về cách thức hoạt động, các chủ ki ốt hầu như không phải sử dụng thủ đoạn gì quá tinh vi mà hầu hết đều làm một cách công khai. Tại các ki ốt, người mua có thể thấy đập vào mắt hình ảnh chú khỉ nhảy nhót chí choé, con rái cá tức tối đòi phá cũi, các loài chim quý hiếm đứng gật gù chờ chết...

img

Rao bán vượn hoang “để nấu cao” (ảnh chụp các năm 2018, 2020).

img

Các ảnh của phóng viên chụp trở thành ảnh pa-nô tuyên truyền cho địa phương về việc ngăn chặn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.

Với nhóm PV điều tra, suốt một thời gian dài nhiều năm theo dõi hoạt động của chợ chim trời này, lần nào chúng tôi có thể ghi hình rất rõ các hoạt động vi phạm. Thậm chí, nhiều ảnh, tư liệu của phóng viên có được trong quá trình tác nghiệp, thâm nhập tìm hiểu hoạt động của chợ chim trời này đã được cơ quan chức năng Long An sử dụng làm pano, áp phích tuyên truyền chống lại nạn buôn bán, săn bắt, sử dụng động vật hoang dã. 

Như vậy, nếu các lực lượng chức năng ở địa phương với nghiệp vụ được đào tạo bài bản, các quy định pháp luật rõ ràng, muốn xử lý các đối tượng vi phạm thì không có gì là quá khó.

img

img

Nhiều loại động vật  hoang dã quý hiếm được bày bán tại chợ chim Thạnh Hóa.

Nhưng, thực tế thì "địa ngục" chim trời Thạnh Hóa vẫn ngang nhiên, công khai hoạt động cho đến tận bây giờ, dù rất nhiều người biết rõ nó đang vi phạm quy định luật pháp. Đây thực sự là một thực trạng đáng buồn! Và hồi âm của dư luận về những bài báo đã đăng tải trên Dân Việt có chung một dấu hỏi: Có hay không tình trạng bảo kê cho chợ chim trời ?

Khi phóng viên vào vai các chủ hàng để tìm gặp các con buôn, họ đều nói về “mối quan hệ đặc biệt" với một vài cán bộ địa phương. Họ nói về việc mua giấy tờ nguồn gốc động vật từ kiểm lâm để hợp thức hoá mua bán trái phép. Họ cũng ngang nhiên, công khai to tiếng, thậm chí là xúc phạm các cán bộ, phóng viên khi chúng tôi tham gia các cuộc kiểm tra đột xuất các cửa hàng, ki ốt của họ...

img

img

Trong số những động vật hoang dã được bày bán có cả cú mèo, rái cá... (Ảnh: Nhóm PV)

Theo thống kê của nhóm PV, hiện toàn khu chợ có hơn 50 hộ kinh doanh, trong đó có 36 hộ bán chim và các loài động vật hoang dã. 

Phổ biến nhất là các loài chim cu, vịt trời, cò trắng, cúm cúm, le le, cu gáy, cu xanh, cu đất, cu ngói, nước, vạc, sẻ, dồng dộc, sáo, mỏ nhác, ốc cao, trích, cò ma, nhồng yến, yến phụng, sáo đất cu cườm... Cùng chung số phận thê thảm là các loài chim quý hiếm như trích cồ, cổ rắn, trĩ đỏ, giang sen, cò ốc..

Đặc biệt, không ít cửa hàng bán cả các loài rùa quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IIB, như rùa núi vàng, rùa ba gờ, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng, cua đinh, rái cá; cùng nhiều động vật như rắn, chuột, ba ba, kỳ đà, chồn, cu li.

Đại bàng nhập khẩu và khỉ; vượn, hổ nếu khách có nhu cầu, các chủ ki ốt yêu cầu đặt cọc và chuyển hàng đến tận nhà ngay.

"Nhiều đồng chí bị hăm doạ"

Sự thách thức pháp luật kể trên đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Long An và chính quyền huyện Thạnh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc họp và đợt ra quân thanh, kiểm tra liên ngành, đồng thời xử phạt một số cửa hàng nhưng chợ chim vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức pháp luật.

img

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An trong cuộc trao đổi với Dân Việt tháng 3/2020. (Ảnh: P.V)

Tại trụ sở UBND tỉnh Long An, sau khi nghe thông tin tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) mà nhóm PV đã điều tra, thu thập trong thời gian dài trước đó, ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết đã đọc các bài viết và nắm được thông tin.

Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nói thêm: “Chợ này rất 'nổi tiếng' lâu rồi. Tỉnh họp rồi, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo nhiều lần rồi, anh em đã đi làm rồi. Nhưng thực tế cũng khó. Vừa qua, nhiều đồng chí ở Thạnh Hóa còn bị hăm dọa, nên cũng có anh em chùn bước”.

Chúng tôi có đầy đủ ghi âm, tài liệu để chứng minh việc kiểm tra, xử lý, kiểm dịch của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương ở địa ngục chim trời chỉ là lấy lệ, "làm cho có". 

“Nhà anh Lợi (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An - PV) ở trên đó (thị trấn huyện Thạnh Hóa - PV) nên cũng bị hù dọa” - ông Cảnh nói. “Vì lý do đó, chúng tôi phải thành lập tổ công an phối hợp với kiểm lâm, công an tỉnh, huyện và địa phương cùng thực hiện”.

Ông Cảnh cho biết thêm rằng ông chỉ được nghe báo cáo động vật buôn bán ở chợ là loài thông thường. “Bữa nay bắt mới thấy động vật quý nhóm IB, chứ anh em đang đề xuất xử theo hướng buôn bán động vật phải có nguồn gốc”.

Trước thông tin ĐVHD bị nhốt, buộc mỏ, bẻ cánh, vặt lông sống buộc từng chùm để bán, ông Cảnh lý giải “anh em cũng làm nhiều mà như bắt cóc bỏ dĩa.

Chợ này hồi xưa ở sát ngoài đường, ảnh hưởng đến giao thông. Sau đó huyện Thạnh Hóa mới xây lùi vào trong, nhưng khi xây chợ vào trong họ giấu dữ (kín) hơn lúc ở ngoài”.

Ông Cảnh cũng thừa nhận: Đúng là sự tham mưu của Sở NNPTNT và UBND huyện chưa sát với thực tế. UBND tỉnh sẽ kiên quyết xử lý trong thời gian tới.

"Trong tuần này, tôi sẽ xếp lịch họp, thực hiện đúng chỉ đạo kiểm tra, phối hợp giữa UBND huyện cũng như kiểm lâm để có kế hoạch chi tiết thời gian tới. Tôi hứa với các anh, tỉnh sẽ chỉ đạo rất kiên quyết để dẹp bỏ tình trạng này” - ông Cảnh khẳng định.

Nhiều lần giao công an “làm nhưng chưa ra”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết thêm: “Vì báo cáo chưa phát hiện loài quý hiếm nên chỉ truy xuất nguồn gốc (động vật đang bày bán để xử lý). Nếu không có nguồn gốc thì tịch thu, nhưng anh em vừa lên tới nơi là (họ) giấu hết, làm không được. Rất nhiều lần, giao công an huyện rồi, công an tỉnh cũng đã làm nhưng chưa ra”. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem