Chiều nay 31/3, tại Cần Thơ, Bộ NNPTNT tổ chức cuộc họp lấy ý kiến lần cuối cùng đối với các doanh nghiệp và Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL về dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Tại đây, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo dự kiến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, từ nay đến năm 2025, vùng có 500.000ha, từ năm 2025-2030 sẽ có 1 triệu ha.
Đến thời điểm này, theo đăng ký thực hiện của các tỉnh thành, đến năm 2025, vùng ĐBSCL có 720.000ha lúa chất lượng cao. Trong đó, tỉnh Kiên Giang và An Giang đăng ký diện tích thực hiện cao nhất. Riêng tỉnh Bến Tre không tham gia, vì địa phương này chỉ còn khoảng 9.000ha lúa.
Ông Tùng cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là hình thức tổ chức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo được tốt hơn trong thời gian tới. Khi thành công ở ĐBSCL, đề án sẽ mở rộng ra các vùng miền khác.
Mong đợi của đề án là giảm giá thành sản xuất lúa của người dân, cụ thể là giảm lượng giống còn 80kg/ha, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%, giảm nước tưới 30%, đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%, giảm phát thải trên 10%.
Từ đó, sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20%, sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.
Để làm được điều này, trong vùng thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phải sử dụng giống xác nhận, có quy trình canh tác bền vững, dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, VietGap, GlobalGap...
Theo đó, vùng sẽ được đầu tư về hệ thống thủy lợi, đê bao, nông dân trong hợp tác xã được vay vốn, doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều tham gia thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Riêng chỉ có tỉnh Bến Tre không tham gia vì diện tích lúa ở địa phương không còn nhiều (Bộ NNPTNT không yêu cầu tất cả các địa phương ở ĐBSCL phải tham gia - PV).
Để đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL thành công, chắc chắn phải có hợp tác xã tham gia và liên kết với doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các hợp tác xã và doanh nghiệp đều tự nguyện đăng ký và phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, chứ không phải đăng ký tham gia cho có.
Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đã nhận được sự ủng hộ của các địa phương và các tổ chức tín dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.