Giá gia cầm hôm nay 31/3: Vịt thịt tăng giá, gà thả vườn giá cao nhưng bán chậm
Giá gia cầm hôm nay 31/3: Vịt thịt tăng giá, gà thả vườn bán chậm, cách chăm sóc gà vịt giao mùa thế nào?
HĐ
Thứ sáu, ngày 31/03/2023 16:27 PM (GMT+7)
Khảo sát giá gia cầm hôm nay 31/3 tại các vùng chăn nuôi lớn, chúng tôi nhận thấy giá vịt thịt vẫn tăng, việc tiêu thụ hàng tại các trại thuận lợi. Gà thả vườn loại 1 nuôi dài ngày được giá cao nhưng các trại bán khá chậm. Cách chăm sóc gà vịt thời điểm giao mùa như thế nào?
Chia sẻ thông tin giá gia cầm với chúng tôi, bà Phạm Thị Mừng, thương lái gà, vịt lâu năm ở Hà Nam cho biết, giá vịt hôm nay vẫn tăng, có trại bán được đến trên dưới 45.000 đồng/kg.
Giá vịt cánh trắng loại đẹp dao động từ 44.000 đồng đến 46.000 đồng/kg.
Giá vịt trời vẫn ở mức cao trên 100.000 đồng/con, có trại bán được 140.000 đồng/con.
Tại các vùng phía Nam, giá vịt trắng (vịt hơi) bán tại các vùng Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai... vẫn quanh mức trên dưới 55.000 đồng/kg.
Giá vịt xiêm (ngan đen) bán buôn cho thương lái hàng đẹp mới đạt trên 70.000 đồng/kg.
Giá vịt siêu nuôi 2 tháng bán khoảng 55.000 đồng/con.
Giá ngan trắng (ngan hơi) phổ biến vẫn ở mức trên dưới 62 đến 68.000 đồng/kg, tùy trại.
Giá gà thịt hôm nay: Gà ngon loại 1 được giá cao
Theo bà Mừng, loại gà nuôi thả vườn khoảng 5-6 tháng đẹp khoảng trên dưới 2,5kg/con trồng, 2kg với mái bán buôn tại các vùng miền Bắc luôn được giá cao từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.
Cùng loại này được các lái thịt bán cho khách tại khu phố từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gà ta lai nuôi ngắn ngày trên tháng đến 3,6 tháng đến trên 4 tháng bán buôn tốt mới được 60.000 đồng/kg.
Giá gà Tiên Yên (Quảng Ninh) loại đẹp bán trên 100.000 đồng/kg.
Giá gà Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hàng cao cấp vẫn được khách đặt lẻ với giá khoảng trên 400.000 đồng/kg loại trên 1 năm tuổi.
Giá gà Đông Tảo (gà chân voi) bán tại Hưng Yên cao nhất được 300.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp tại các vùng vẫn duy trì ở mức dưới 30.000 đồng/kg.
Cách chăm sóc vật nuôi trong thời điểm giao mùa
Ông Phạm Văn Thắng, chuyên gia chăn nuôi ở Bắc Ninh cho biết, hiện nay thời tiết khí hậu có diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là ở khu vực miền Bắc hàng ngày thời tiến thay đổi liên lục, ban ngày bừng nắng song đêm lại trở rét cộng với mưa phùn, gió rét, giông, lốc, không khí ẩm thấp. Thời gian tới chắc chắn còn khắc nghiệt hơn do chuyển giao mùa, nắng nóng, nhiệt độ tiếp tục biến đổi bất thường.
Với thời tiết khí hậu như vậy sẽ làm con vật không thích nghi kịp nên dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, những ngày gần đây có mưa phùn nên ẩm độ cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm là điều kiện rất tốt để các loại mầm bệnh (nấm mốc, vi khuẩn, vi rút …) phát sinh phát triển mạnh, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.
Theo ông Thắng, để chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm thời điểm này người chăn nuôi áp dụng một số biện pháp như:
Thường xuyên nắm bắt thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp khi thời tiêt thay đổi, nhất là những ngày có mưa, giông lốc. Chú ý ngay việc che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Khi mưa phùn ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc gia cầm non bằng cách thay độn chuồng mới, với bê nghé non cho đi chăn thả muộn về sớm.
Thực hiện tốt vệ sinh cơ giới, không để nước đọng, nước tù ở hệ thống cống rãnh, đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng; đơn giản là trước khi phun thuốc sát trùng thì cần làm thật tốt khâu vệ sinh cơ giới trước để đảm bảo hiệu quả cao trong tiêu diệt và ngăn chặn mầm bệnh.
Một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn (như Vikol, Halamit, Biocid, Haniodil …). Kết hợp với việc phun một số loại thuốc diệt côn trùng (như Hantox để diệt ruồi, muỗi, ve mòng …) trong chuồng nuôi. Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Kinh nghiệm cho thấy việc dùng nước vôi trong để rửa, ngâm nền chuồng (sau xuất bán gia súc, gia cầm) là rất tốt đồng thời rắc vôi bột ở các khu vực cổng vào chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh là rất tốt vừa diệt mầm bệnh vừa hạn chế côn trùng, vật chủ trung gian mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Đồng thời sử dụng các chế phẩm khử mui hôi trong chuồng hạn chế sự phát sinh phát triển của mầm bệnh nhất là các loại côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh.
Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng nhằm nâng cáo sức đề kháng cho con vật, cho thức ăn tươi, mới tránh nấm mốc, những ngày này do ẩm độ cao, có mưa nên thức ăn rất rễ hỏng mất mùi, biến chất... Đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho uống nước sạch, khi nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm.
Yếu tố bắt buộc và tiên quyết là thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại vác xin để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Càng trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết càng phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời đúng chủng loại. Đối với trâu bò tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, ở một số vùng tiêm bổ sung vác xin nhiệt thán.
Với trâu bò mới nhập đàn trong thời điểm này ngoài việc tiêm phòng các vác xin thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu (tiên mao trùng, biên trùng). Đàn lợn đảm bảo tiêm phòng các loại vác xin như Lở mồm long mong, Tai xanh, Suyễn, Dịch tả, tụ huyện trùng lơn, lợn con tiêm vác xin Ecoli. Đàn gia cầm đảm bảo tiêm đầy đủ vác xin như Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.