Dịch bạch hầu ở Hà Giang có chiều hướng gia tăng, thêm 1 người tử vong

Nguyễn Quân Chủ nhật, ngày 03/09/2023 14:39 PM (GMT+7)
Ngoài bệnh nhân thứ 2 vừa tử vong, có khoảng 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang điều trị ở bệnh viện, trong số đó có ca phải chuyển về bệnh viện Trung ương.
Bình luận 0

Theo Sở Y tế Hà Giang, về ca bệnh tử vong trước đó là bé trai V.M.D, 15 tuổi, được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 21/8 nhưng chỉ 1 ngày sau phải chuyển tuyến về bệnh viện tỉnh, do diễn biến quá nặng, bệnh nhân tử vong trên đường từ viện về nhà trước khi có kết quả dương tính bạch hầu.

Liên quan đến diễn biến dịch bạch hầu tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang, đến nay đã ghi nhận tổng số 32 ca nghi ngờ mắc bệnh, 2 ca diễn biến nặng và tử vong.

Dịch bạch hầu ở Hà Giang có chiều hướng gia tăng, thêm một người tử vong trên đường về nhà - Ảnh 1.

Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc chuẩn bị vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn. Ảnh CTV

Về việc lấy mẫu xét nghiệm, tổng cộng có 51 trường hợp (gồm ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc, người nhà...), kết quả có 1 ca dương tính, 9 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, do mới lấy mẫu ngày 28/8, số còn lại (41 ca) âm tính.

Tất cả bệnh nhân xác định và nghi ngờ mắc bệnh đều ở huyện Mèo Vạc, tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang cho biết: "Đây là ca bệnh đầu tiên và duy nhất (đến nay) ở Hà Giang có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu năm 2023".

Được biết, gia đình bệnh nhân có 2 trẻ là em của bệnh nhân cũng có triệu chứng tương tự, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc.

Dịch bạch hầu ở Hà Giang có chiều hướng gia tăng, thêm một người tử vong trên đường về nhà - Ảnh 2.

Cách đề phòng bệnh bạch hầu.

Ca tử vong thứ 2 là nữ, tên là G.T.S, 16 tuổi, ở xã Giàng Chu Phìn. Chị S. được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 25/8 và được lấy mẫu bệnh phẩm. Ba ngày sau, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả kết quả chị âm tính bạch hầu.

Tuy nhiên, đến ngày 28/8, người bệnh có biểu hiện bệnh nặng, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. Một ngày sau, dù được thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang vận động cho phép chuyển về bệnh viện Trung ương để điều trị nhưng gia đình không đồng ý.

Chiều cùng ngày, bệnh nhân có diễn biến nặng lên, viêm cơ tim cấp tính, vài tiếng sau có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, phản xạ âm tính, gia đình xin đưa bệnh nhân về. Nữ bệnh nhân đã tử vong trên đường trở về nhà.

Hiện tại, 30 bệnh nhân nghi ngờ đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc. Một số bệnh nhân có biểu hiện ban đầu như sốt nhẹ, ho khan, đau rát thành họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc...

Theo nguồn tin của Báo Dân Việt, chiều 1/9 một trường hợp 12 tuổi ở xã Khâu Vai (nơi có 14 ca nghi ngờ) được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Hà Giang lên Bệnh viện Nhi Trung ương và đang được cách ly, điều trị tại phòng riêng.

Triệu chứng ban đầu của trường hợp này gồm sốt, đau đầu, đau họng, khó thở. Sau 10 ngày điều trị ở huyện không đỡ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh, xét nghiệm phát hiện men tim tăng.

Theo Sở Y tế Hà Giang, dịch diễn biến tương đối phức tạp, nguy cơ lan rộng; các ca bệnh xuất hiện tản phát tại 8 xã, diễn biến tình hình dịch bệnh trong khoảng thời gian khá dài và tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng.

Mặc dù việc giám sát và kiểm soát các ca bệnh tại địa bàn nguy cơ phải quyết liệt hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị năm học mới, nhưng thực tế tồn tại nhiều khó khăn.

Trong đó, do thái độ, nhận thức, chủ động phòng chống dịch của người dân rất kém, việc hợp tác trong quá trình điều trị của người bệnh và gia đình cùng với cơ quan y tế rất khó khăn. Ngoài ra, tỉnh cũng thiếu vắc xin tiêm chủng để triển khai chiến dịch tiêm phòng. Tại các bệnh viện tỉnh, huyện không có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Hiện Hà Giang cũng thiếu kinh phí mua thuốc, hóa chất phục vụ phòng chống dịch bệnh; chưa kể thiếu nhân lực và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tại địa bàn các xã còn hạn chế.

Vì vậy, địa phương này đề nghị cơ quan thuộc Bộ Y tế sớm hỗ trợ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị những ca bệnh có dấu hiệu và diễn biến nặng; Hỗ trợ và sớm cấp vắc xin tiêm chủng để tỉnh tổ chức tiêm chủng phòng chống dịch chủ động, bền vững.

Đồng thời, đề nghị các bệnh viện Trung ương như: Nhi Trung ương, Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tỉnh để điều trị ca bệnh, đặc biệt là các ca bệnh nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem