Công nhân được đo thân nhiệt
Để chủ động ứng phó với bệnh do nCoV, nhiều công ty thuộc khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội chủ động thông tin, giám sát, kiểm tra sàng lọc thân nhiệt của người ra vào các khu sản xuất.
Ngay trong ngày đầu tiên công nhân trở lại làm việc (mùng 6 tết, tức 30/1), Công ty Yamaha Motor Việt Nam tại Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội) đã sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm tra sàng lọc nhiệt độ cơ thể cho công nhân, khách tới công ty. Tất cả khách ra vào các khu của công ty đều phải kiểm tra sàng lọc thân nhiệt bằng máy do nhân viên bảo vệ thực hiện. Ngoài máy đo nhiệt độ cơ thể nhỏ gọn, nhân viên gác cổng cũng được trang bị thêm các tờ thông tin về biểu hiện, diễn biến và cách phòng tránh dịch viêm phổi cấp nCoV.
Công nhân Công ty Yamaha Motor Việt Nam được sàng lọc, đo thân nhiệt phát hiện bệnh khi nhiễm virus Corona. Ảnh: M.N
"Để tăng cường công tác phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có công văn khuyến cáo đơn vị, đặc biệt các doanh nghiệp, người lao động chủ động ứng phó, phòng dịch".
Ông Ngọ Duy Hiểu -
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
|
Một số công ty còn gửi đi các thông báo qua tin nhắn, thư điện tử để mỗi công nhân có thể chủ động kiểm soát về mặt thân nhiệt và phòng ngừa bệnh.
Còn chị Phạm Thị Ngợi - công nhân đang làm việc tại Công ty giày Hồng Bảo (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ 5 ngày nay chị được nghe truyền thông nhiều hơn về mức độ nghiêm trọng nCoV. "Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh này, chúng tôi đã chủ động đeo khẩu trang khi làm việc và tiếp xúc với người lạ. Đồng thời, tôi và các đồng nghiệp cũng nhắc nhở người thân trong gia đình và bạn bè chủ động tìm hiểu, áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch bệnh" - chị Ngợi chia sẻ.
Tại khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) - nơi có khá đông công nhân, chuyên gia nước ngoài trong đó có cả lao động người Trung Quốc làm việc - cũng đã có những biện pháp dự phòng bệnh cho công nhân. Hầu hết công nhân trong khu công nghiệp đều sử dụng khẩu trang. Thêm vào đó công nhân cũng tránh tụ tập đông người, đi du xuân và tụ tập ăn uống liên hoan.
Anh Nguyễn Văn Quân - công nhân ở khu công nghiệp Nghi Sơn cho biết: "Mọi hoạt động làm việc, sinh hoạt của công nhân lao động ở đây vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác một chút là mọi người ra đường tới nơi mang theo khẩu trang đeo để phòng ngừa bệnh mà thôi".
Tạm dừng tiếp nhận lao động Trung Quốc
Theo Bộ LĐTBXH, hiện có 91.500 lao động Trung Quốc được cấp phép làm việc tại Việt Nam và khoảng 40% số lao động này trở về Trung Quốc đón tết. Tuy nhiên một số địa phương như Hà Nội; Hải Phòng; Khánh Hòa chưa có số liệu cụ thể về lao động về nước trong dịp tết. Tại các huyện, xã vùng biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc hàng ngày có khoảng 1.700 lao động qua lại, buôn bán hàng ngày nhưng hiện nay có khoảng 70% số lao động không qua lại nữa.
Tỉnh Khánh Hòa đã dừng nhập cảnh lao động Trung Quốc từ ngày 27/1. Khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) yêu cầu các lao động không trở lại nhà máy trước ngày 15/2. Bộ LĐTBXH đang cập nhật số lao động Việt Nam đang làm việc tại Trung Quốc nói chung và tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nói riêng.
Ngay trong ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đã có công điện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra. Công điện yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động di chuyển qua các vùng có dịch trong thời gian công bố dịch nCov. Trong trường hợp đã tiếp nhận lao động thì phải thực hiện báo cáo, cách li tại nơi ở hoặc nơi làm việc theo quy định trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ LĐTTBXH cũng yêu cầu Cục Việc làm và Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp... tạm dừng cấp phép cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV. Đồng thời, công điện cũng yêu cầu rà soát lao động Việt Nam làm việc tại những quốc gia có dịch. Khuyến cáo các doanh nghiệp tạm dừng đưa lao động đi lao động ở những vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc phải đi thì cần trang bị bảo hộ, kiến thức phòng bệnh cần thiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.