Dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến 80 nghìn DN "rời" thị trường: Shark Phú kiến nghị bơm tiền đến từng DN

N.Minh Thứ sáu, ngày 30/07/2021 11:00 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường không ngừng gia tăng. Để hỗ trợ DN, Shark Phú cho rằng ngoài việc đồng hành cùng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp phân loại nhóm doanh nghiệp để đưa ra cơ chế hỗ trợ trực tiếp, "bơm" tiền một cách phù hợp đến từng doanh nghiệp.
Bình luận 0

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 2 năm ứng phó với Covid-19, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng 2 chữ số so với cùng kỳ.

Theo đó, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới, khi có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%.

Đồng thời, có tới 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%, bao gồm 10.105 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 27,2%; 131 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 5,1%

Tính trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Dịch Covid-19 lần thứ 4: 80 nghìn doanh nghiệp "rời" thị trường, doanh nghiệp bán tài sản tạo dòng tiền - Ảnh 1.

7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới, khi có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh: LT)

Xoay sở giữa mùa dịch Covid-19, doanh nghiệp chấp nhận bán cả tài sản để tạo dòng tiền

Chia sẻ một giải pháp để doanh nghiệp xoay chuyển thách thức thành cơ hội trong đại dịch, bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch bệnh ngay từ năm 2020.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đã tận dụng công nghệ để đảm bảo hoạt động được thông suốt. Hiện MISA đã ứng dụng và cung cấp ứng dụng quản trị doanh nghiệp hợp nhất, cũng như các dịch vụ kế toán trực tuyến miễn phí cho 30.000 doanh nghiệp có nhu cầu.

Bà Thúy cho rằng, doanh nghiệp muốn biến thành thách thức thành cơ hội phải dựa 70% vào tư duy nhận thức, nên doanh nghiệp hãy quan tâm đến chuyển đổi số, tối ưu hóa chi phí để phục hồi sản xuất.

Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Sunhouse của Shark Phú cũng chia sẻ, trước ảnh hưởng của đại dịch, mảng kinh doanh chính không tăng trưởng như kỳ vọng, thị trường nội địa cũng không khả quan khi doanh thu chỉ tăng khoảng 8% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp đã tận dụng thị trường xuất khẩu để hướng tới doanh thu cả Tập đoàn tăng trưởng tới 25%.

Công ty CP May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của doanh nghiệp mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Hanosimex, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định…

Dịch Covid-19 lần thứ 4: 80 nghìn doanh nghiệp "rời" thị trường, doanh nghiệp bán tài sản tạo dòng tiền - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản tạo dòng tiền vì dịch Covid-19. (Ảnh: HP)

Chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 vì doanh nghiệp có rất nhiều khu du lịch, trải nghiệm ở phía nam, nhất là trong 19 tỉnh phải giãn cách xã hội do Chỉ thị 16, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, doanh nghiệp ông luôn cố gắng xây dựng văn hóa minh bạch, tăng cường đối thoại. Các vấn đề trước khi đưa ra được quyết định đều có sự trao đổi. Ngoài chia sẻ trực tiếp, ông Kiên cho biết cũng thường xuyên viết thư động viên toàn thể anh em.

Cũng theo ông, ngành du lịch ảnh hưởng vô cùng lớn vì đại dịch. Thời gian đã kéo dài 18 tháng nên doanh nghiệp cũng khó khăn. Trong ngành du lịch hiện giờ, có cả triệu người bị mất việc, sụt giảm rất nhiều thu nhập.

"Nhiều người phải chuyển sang nghề khác. Một số chuyển sang nông nghiệp, tài xế công nghệ, xây dựng… Một số làm thêm 2-3 nghề cùng lúc", ông Kiên nói.

Vì vậy, bài toán của doanh nghiệp bây giờ là cố gắng giữ nhân viên. Để đảm bảo có dòng tiền duy trì, ông Kiên cho biết doanh nghiệp phải tiến hành thoái vốn, ngừng triển khai nhiều dự án. "Chúng tôi ưu tiên dòng tiền chi trả cho người có lao động, đầu tư vào khu vực chiến lược có hiệu quả", ông thông tin.

Cũng theo vị này, giá trị bất động sản tăng lên đã cho phép công ty chuyển đổi tài sản, bán đi để tạo dòng tiền.

"Chúng tôi tìm cách cân đối lại chi phí, bảo vệ sức khỏe anh em khách hàng, cố gắng tận dụng các nguồn doanh thu có thể có. Quan trọng nhất là tính toán khi mở cửa sản xuất kinh doanh thì chúng tôi tạo được lợi thế cạnh tranh, đó là ưu tiên số một", ông Kiên chia sẻ.

Hiến kế hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp

Trong bối khó khăn vì đại dịch, muốn giữ các doanh nghiệp tồn tại – theo ông Kiên đó là, phải đảm bảo có hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp tốt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Thì ngay cả Nghị quyết 68 vừa rồi và các quyết định từ trước tới nay, tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta đang cố gắng để giữ tất cả mọi người, cả tốt và không tốt. Nhưng thực tế mà nói, chúng ta cần giữ doanh nghiệp tốt. Tốt ở đây là sản phẩm tốt, tính sáng tạo tốt và đóng góp đầy đủ, minh bạch cho hệ thống thuế và bảo hiểm xã hội của Nhà nước", ông Kiên nói.

Dịch Covid-19 lần thứ 4: 80 nghìn doanh nghiệp "rời" thị trường, doanh nghiệp bán tài sản tạo dòng tiền - Ảnh 5.

Ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. (Ảnh: Công Tâm)

Đối với lĩnh vực Du lịch chẳng hạn, để hỗ trợ dòng tiền, theo ông Kiên cách mà Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đang đề nghị với Chính phủ là cho phép các doanh nghiệp tốt có quyền vay, được bảo lãnh bằng số tiền mà họ nộp cho ngân sách trong năm 2019. 

Đây là một giải pháp rất căn cơ, cần thiết. Bởi vì đây là một chỉ số rất tốt nói lên độ minh bạch và hiệu quả của một doanh nghiệp tại thời điểm 2019.

"Không phải mọi người đều vay, nhưng họ sẽ sẵn sàng dùng, khi nhìn thấy tương lai 12 tháng sau, chắc chắn nhu cầu bị dồn nén quay trở lại sẽ nhiều lên. Từ đó họ sẵn sàng đầu tư, giữ người giỏi, đầu tư vào công nghệ. Vì vậy cho vay bằng số tiền doanh nghiệp nộp trong năm 2019 là giải pháp rất căn cơ", ông Kiên phân tích và kỳ vọng, Chính phủ phê duyệt càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, thì kiến nghị các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ cần thay đổi tư duy theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp để việc hỗ trợ được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp phân loại nhóm doanh nghiệp để đưa ra cơ chế hỗ trợ trực tiếp, "bơm" tiền một cách phù hợp đến từng doanh nghiệp.

Shark Phú đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó cho doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên thụ động trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà cần chủ động tự tìm cách khắc phục, bởi số lượng doanh nghiệp lớn, cơ quan quản lý còn lo hỗ trợ cho người dân, phòng chống dịch nên các chính sách sẽ không thể triển khai nhanh như mong đợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem