"Thấm đòn" Covid-19 lần thứ 4, chủ khách sạn trăm tỷ "tháo chạy"

Minh Khôi Thứ năm, ngày 29/07/2021 06:07 AM (GMT+7)
Nhiều chủ khách sạn hạng sang tại khắp các tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đang phải rao bán các khách sạn có giá chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng do không thể gồng gánh nợ nần trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Bình luận 0

Khắp nơi rao bán khách sạn… nhưng không người mua

Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài giảm mạnh, kéo theo đó, các khách sạn cũng lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ buộc phải đóng cửa, thậm chí rao bán.

Khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, các tin rao bán khách sạn bắt đầu xuất hiện từ giữa đợt Covid-19 thứ hai và chỉ tại một số tuyến đường thuộc trung tâm Sài Gòn hay Hà Nội. Tuy nhiên, sau lần bùng dịch thứ 4, các thủ phủ du lịch và thành phố biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng đua nhau rao bán. Mỗi ngày, trên các trang tin có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

'Thấm đòn' Covid-19 lần thứ 4, ông chủ khách sạn trăm tỷ 'tháo chạy' - Ảnh 1.

Thông tin rao bán khách sạn giá hàng trăm tỷ đồng được đăng tải nhiều trên các trang mua bán bất động sản. (ảnh chụp màn hình)

Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, anh Trần Hoàng Lâm chủ một khách sạn chia sẻ, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, anh buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng. Khách sạn của anh có diện tích 374m2 với 65 phòng và được rao bán với giá khoảng 254 tỷ đồng. Mặc dù đã nhận được nhiều cuộc gọi trả giá nhưng vẫn chưa có khách đặt cọc.

Tương tự anh Lâm, anh Ngô Đăng Khải, chủ khách sạn nằm gần phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2019 anh vay mượn của gia đình và ngân hàng 18 tỷ để xây dựng khách sạn với hơn 20 phòng. Đến đầu năm 2020, khách sạn hoàn thành nhưng lại rơi vào đúng đợt bùng nổ dịch Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội.

Sau khi dịch được kiểm soát, khách sạn anh đi vào vận hành được 1 - 2 tháng thì tiếp tục đóng cửa vì lần bùng dịch thứ 3 rồi thứ 4. Đến nay, tài chính không thể thu được về, anh quyết định treo biển thanh lý khách sạn với giá 30 tỷ đồng nhưng cũng khó kiếm được khách mua.

Khảo sát thêm một số địa điểm khác cũng ghi nhận tình trạng bán các khách sạn trăm tỷ này. Đơn cử như khách sạn có diện tích hơn 200 m2, mặt chính là phố Huế, giá 300 triệu đồng mỗi m2. Khách sạn được rao bán trên một trang địa ốc ghi "cần bán vì Covid-19". 

Ngoài ra, một số khách sạn trên phố Hàng Bài cũng rao bán giá 65 tỷ đồng. Diện tích đất khoảng 100 m2, mặt tiền 5,5 m. Trên phố Hàng Buồm, một khách sạn cuối năm 2020 rao bán 75 tỷ đồng, đến đầu năm 2021 chủ nhà chấp nhận hạ xuống 60 tỷ đồng, giảm đến 15 tỷ đồng mà vẫn chưa có giao dịch.

Tại TP.HCM, hàng loạt khách sạn có quy mô từ 50 - 100 phòng với nằm tại trung tung tâm như Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Siêu, cũng được được rao bán với giá 150 - 800 tỷ đồng.

Không chỉ tại Hà Nội, TP.HCM, mà tại Đà Nẵng, dịch bùng phát trở lại trong vài tháng qua cũng khiến hàng nghìn nhà nghỉ, khách sạn tiếp tục khéo dài thời gian "đóng băng". Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hồ Xuân Hương, Hà Bổng (quận Sơn Trà), Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) cũng đóng cửa vì không có khách.

Gắng gượng để chờ dịch qua

Bên cạnh việc "bán tháo", nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao vẫn cố bám trụ bằng cách cắt giảm chi phí, như bỏ một số dịch vụ quầy bar, nhà hàng, spa… Chị Huỳnh Thu Huế, chủ một khách sạn trên phố Mã Mây cho biết, khách sạn của chị đã phải đóng cửa kể từ sau lần bùng dịch thứ 2 vì không có khách. Các nhân viên tại đây đều đã được chị cho nghỉ việc đến khi có thông báo mới. Không có nguồn thu, rao bán cũng không tìm được khách mua, chị Huế chỉ còn cách chờ đợi dịch đi qua.

'Thấm đòn' Covid-19 lần thứ 4, ông chủ khách sạn trăm tỷ 'tháo chạy' - Ảnh 3.

Một khách sạn trên phố Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được rao bán. (ảnh An Cư)

Chị Huế chia sẻ: "Nếu rao bán vào thời điểm này, tôi buộc phải chịu lỗ chừng hơn 20 tỷ đồng. Và dù có chấp nhận lỗ cũng không tìm được khách mua vì hầu hết khi dịch ập đến, mọi người đều gặp khó khăn chung về dòng tiền. Vì vậy, tôi đành phải bám trụ lại đợi cơ hội vào tháng 8, tháng 9 tới khi dịch có thể được kiểm soát tốt hơn".

Theo chia sẻ của một số môi giới, khi dịch bệnh kéo dài, chỉ những khách sạn được sở hữu bởi các công ty gia đình có truyền thống kinh doanh khách sạn lâu đời và hầu như ít vay nợ hoặc đã xử lý nợ xong thì áp lực với doanh thu thấp, họ vẫn sẽ bán trụ để giữ tài sản. Mặt khác, những nhà đầu tư dựa vào đòn bẩy tài chính từ ngân hàng để kinh doanh sẽ bắt buộc phải rao bán để trả nợ cho ngân hàng.

Ông Mauro Gasparotti Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị ông không ghi nhận có giao dịch mua bán sáp nhập các dự án khách sạn tại thị trường Việt Nam. Bởi, nhà đầu tư hiện khó dự báo mức độ rủi ro trước diễn biến phức tạp của Covid-19 bùng phát trong lần thứ 4.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng dự báo, trong 6 tháng tới, nếu tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, có thể các dự án khách sạn buộc phải tiến hành thay đổi về dòng vốn. Khả năng xảy ra tình trạng bán tháo là có nếu đà phục hồi của thị trường đến quá chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem