Dịch Covid-19 phức tạp, doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vẫn “ung dung” vì lý do này

Quốc Hải Thứ ba, ngày 18/05/2021 16:42 PM (GMT+7)
Ngành dệt may đang đón những tín hiệu tích cực trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2021, do sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ - thị trường xuất khẩu chính. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong ngành có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3/2021…
Bình luận 0
Dịch Covid-19 phức tạp, doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vẫn “ung dung” vì lý do này - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc Việt Nam hiện có đủ đơn hàng đến hết quý 3/2021 (Ảnh: IT)

Theo SSI Research, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 9,7 tỷ USD (+10,7% so với cùng kỳ) trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2021, do sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ (triệu USD) trong 4 tháng đầu năm đạt 4.717 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 49% giá trị hàng xuất khẩu may mặc của Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường còn lại lần lượt là Nhật Bản (1.065 triệu USD, tỷ trọng 11%); EU (1.081 triệu USD, tỷ trọng 11%); Hàn Quốc (924 triệu USD, tỷ trọng 10%); CPTPP (485 triệu USD, tỷ trọng 5%) và Trung Quốc (378 triệu USD, tỷ trọng 4%).

"Ngành may mặc Việt Nam phục hồi 19,1% so với cùng kỳ và tận dụng lợi thế của khối thị trường CPTPP mới (có hiệu lực từ tháng 1/2019) - tăng 21,2% so với cùng kỳ. Những con số đáng khích lệ phản ánh sự cải thiện đáng kể trong tháng 4/2021, khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt 84% so với cùng kỳ, trong khi EU tăng 52% so với mức thấp vào tháng 4/2020 (sự thiếu hụt nguồn cung vải từ Trung Quốc, khiến các đơn đặt hàng bắt đầu bị hủy)" - chuyên gia của SSI Research nói.

Điểm sáng của ngành dệt may trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, là hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021.

"Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ. Nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính" - báo cáo của SSI Research nêu.

Trước đó, Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng dự báo, kế hoạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD năm 2021 của ngành dệt may khá khả thi.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, bên cạnh sự phục hồi sức mua của các thị trường, ngành dệt may cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh và cơ hội thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới được thực thi.

 Cùng đó, sau thời gian chống chọi với sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cũng như đầu ra, các doanh nghiệp dệt may đã có kinh nghiệm thích nghi và chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như khai thác tốt các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem