Dịch Covid–19 tại TP.HCM: Chuyên gia hiến kế để hàng hoá không bị "đứt gãy", đến tay người dân

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 17/07/2021 16:21 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, thời gian tới đây, chính quyền TP.HCM cũng như các địa phương có dịch cần kế hoạch cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid – 19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Siêu thị khó "gánh" nhu cầu tiêu dùng cả thành phố


Từ tối 13/7, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc TP.HCM sẽ đóng cửa toàn thành phố trong những ngày tới khiến nhiều người dân lo lắng, đi mua hàng tích trữ lương thực.

Trước đó, tại TP.HCM cũng đã phát sinh tình trạng một số đối tượng "đầu cơ" hàng hóa siêu thị. Cụ thể, các đối tượng này mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái với số lượng lớn.

Sau đó, các đối tượng bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn Thành phố. 

Tình trạng trên khiến một số mặt hàng tại các siêu thị có thời điểm bị khan hàng cục bộ. Ngoài ra, hành vi này gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

Dịch Covid–19 tại TP. HCM: Chuyên gia hiến kế phân phối hàng hóa - Ảnh 1.

Siêu thị, trung tâm thương mại chỉ đảm nhiệm 20% doanh số bán lẻ, 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu. (Ảnh: Hồng Phúc)

Nhận định về tình hình trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, do dịch Covid - 19 phát sinh rộng, nhanh chóng dẫn tới sức mua hàng hóa của các gia đình tăng mạnh do tâm lý dự trữ khi bị giãn cách xã hội.

Đặc biệt, khi có phát sinh dịch ở một số chợ truyền thông, dân sinh, siêu thị buộc các doanh nghiệp, các chợ phải đóng cửa phần lớn gây ra sức ép phục vụ dồn về các siêu thị còn lại ở thành phố.

"Như chúng ta đều biết hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ mới đảm nhiệm 20% doanh số bán lẻ, còn chỉ phục vụ được 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu, 90% nhóm hàng này là do các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini đảm nhiệm. Trước sức ép trên TP.HCM đã có nhiều cố gắng chỉ đạo hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên vì lực có hạn, sự chuẩn bị để đón đợt dịch bùng phát lớn chưa được đầy đủ, cho nên đã dẫn tới những lúng túng trong điều hành tổ chức nguồn hàng, gắn kết chuỗi sản xuất phân phối, tổ chức bán ra cho người tiêu dùng… Từ đó dẫn tới hàng hóa đôi lúc đôi nơi bị thiếu một cách giả tạo, mua bán bị đứt đoạn phiền hà, giá cả có những mặt hàng có những thời điểm tăng đột biến", ông Phú đánh giá.

Làm gì để không "đứt gãy" hệ thống phân phối?


Nhằm tránh tình trạng nêu trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, qua một tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối của mình bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối hệ thống siêu thị trung tâm thương mại siêu thị mini…

Bài học đầu đầu tiên là tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối thành phố, đảm bảo lên tục đều đặn không đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng chống dịch trên các cung đường vận chuyển đến thành phố. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tạo những luồng xanh vận chuyển liên tục hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của nhân dân.

"Việc này cần có sự phối hợp của các ngành giao thông vận tải, các địa phương cung ứng hàng cho thành phố, công an, y tế quản lý thị trường, chắc chắn phải có một tổ chức chỉ huy thống nhất để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh hàng ngày hàng giờ. Có như vậy hàng hóa đến thành phố sẽ không bị đứt đoạn, tạo ra tâm lý ổn định khi mua hàng của người tiêu dùng và giá cả sẽ không có những đột biến lớn", ông Phú phân tích.

Dịch Covid–19 tại TP. HCM: Chuyên gia hiến kế phân phối hàng hóa - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội (Ảnh: Dân Việt)

Bài học tiếp theo là về dự trữ ở khâu lưu thông, theo đó, với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hàng ngày thì hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Ông Phú cho rằng, chợ đầu mối hay kho hàng của các đơn vị bán lẻ đều cần dự trữ một lượng hàng nhất định để có thể tổ chức bán ra đều đặn không bị đứt quãng như đã xảy ra những ngày qua.

"Bài toán dự trữ hàng hóa 2 - 3 tháng sẽ phải bỏ ra một lượng vốn nhất định song chúng ta không chỉ đơn thuần tính bằng chi phí dự trữ mà ý nghĩa cao hơn, được nhiều hơn đó là sự ổn định tâm lý mua bán của người dân thành phố. Giá cả được duy trì tương đối ổn định, xã hội được ổn định, người xấu khó có thể lợi dụng mua vét hàng hóa để đẩy giá lên cao một cách phi lý", ông Phú phân tích.

Cuối cùng, bài học về công tác quản lý thị trường trong khi có dịch. Cụ thể, các lực lượng công an kinh tế, công an giao thông quản lý thị trường tài chính giá cả cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm.

Trong đó, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đầu cơ tăng giá lợi dụng khi có dịch để kiếm chác lợi nhuận một cách phi pháp.

"Nói tóm lại, TP.HCM, Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác khi có dịch phát sinh cần nắm vững những nguyên tắc định hướng quan trọng để tổ chức tốt hệ thống phân phối của địa phương nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chắc chắn hiệu quả nhân văn nhất trong bất kể tình huống nào xảy ra trên các địa bàn đó là: Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem