Điều đáng nói là dịch bệnh đã lan nhanh, do công tác phòng chống chưa được ngành y tế, chính quyền và người dân quan tâm đúng mức.
Vùng quê không yên tĩnh
|
Hàng rong trước cổng Trường Tiểu học xã Giao Thạnh vẫn “vô tư” bán và không ai mang khẩu trang. |
Chuẩn bị vào mùa hạ, cái nóng đã bắt đầu len lỏi. Nhưng trên chiếc phà Cầu Ván từ trung tâm huyện qua xã Giao Thạnh vẫn đông ken người. Chỉ có điều, mọi người qua lại trên phà này giờ đều đeo khẩu trang để ngừa dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành ở miền quê ven biển này.
Ông Tống Hoàng Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh, cho biết: “Từ ngày 18 đến 28.2, toàn xã đã phát hiện 228 ca có triệu chứng bệnh cúm A/H1N1, phần lớn phát hiện tại các trường học. Bệnh nhân gồm có cả giáo viên, học sinh và cả những nông dân chân chất...
Sau khi phát hiện những ca dương tính với cúm A/H1N1 đầu tiên, các em học sinh bị phát hiện dương tính được tạm nghỉ học để điều trị tại nhà và uống Tamiflu. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú cử cán bộ phòng dịch đến phun hóa chất, tiêu độc sát trùng trong phạm vi các trường học.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, có lẽ do công tác tuyên truyền, phòng bệnh và phương pháp điều trị bệnh… chưa hợp lý nên số ca bệnh này ngày càng gia tăng. Như ngày 18.2, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngành y tế địa phương chỉ lấy 9 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm (trong đó đã có 7 ca dương tính cúm A/H1N1).
Ngoài ra, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh lấy 50 mẫu bệnh phẩm khác xét nghiệm (nhưng chưa công bố kết quả). Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn 100 bệnh nhân khác chưa được xét nghiệm nên đến nay họ vẫn hoang mang vì chẳng biết mình nhiễm cúm thường hay cúm A/H1N1 để có biện pháp điều trị và chống lây lan.
Hơn nữa, các ca bệnh cúm A/H1N1 chỉ được điều trị cách ly tại gia đình và do người thân trong gia đình đảm nhận, trong khi đúng ra cần đưa vào điều trị cách ly tại cơ sở y tế. Đó là nguy cơ khiến dịch bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác.
Phản ứng... ung dung
Mấy ngày nay, tôi cũng muốn “sốt” theo dịch bệnh. Nhưng hiện nay, do không tiếp tục xét nghiệm nên chúng tôi không biết làm sao, nhất là diễn biến tăng, giảm của số ca bệnh cúm A/H1N1. Ông Lê Văn Không - Trưởng Trạm Y tế xã Giao Thạnh
Ở 3 điểm trường của xã Giao Thạnh, dù đã xảy ra bệnh cúm nhưng nhiều học sinh vẫn chưa mang khẩu trang trong giờ học. Ban giám hiệu trường chỉ trang bị khẩu trang y tế cho cán bộ, giáo viên, còn học sinh thì phụ huynh tự lo liệu. Bà Tô Thị Bé Diễm - hộ kinh doanh trước cổng Trường Tiểu học xã Giao Thạnh nói:
“Tôi biết trong trường có bệnh cúm A nhưng chắc không sao! Nhà trường nghỉ thì mình nghỉ, còn trường vẫn cho học, mình bán chứ biết sao bây giờ. Nghe bệnh cũng sợ lắm nhưng không bán thì lấy gì sống”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho rằng: “Thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo điều trị cách ly tại gia đình là do chưa có trường hợp nào cần thiết phải nhập viện”.
Và ông Thắng khẳng định, nếu dịch bệnh bùng phát nặng hơn mới tính đến chuyện bố trí khu cách ly. “Thật ra bệnh cúm A/H1N1 đối với báo chí thì còn lạ, nhưng với ngành y chúng tôi thì thông thường thôi, vài ngày sẽ hết (!)” – ông Thắng nói thêm.
Còn chuyện chưa công bố dịch, theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, dù đã nhiều người mắc bệnh cúm, nhưng do chưa có ca tử vong và còn trong tầm kiểm soát nên chưa thể công bố dịch trên phạm vi xã Giao Thạnh.
Hiện nay, nguyên nhân xảy ra bệnh cúm A/H1N1 ở Giao Thạnh vẫn chưa được ngành chuyên môn xác định. Trước đó, vào năm 2009, tại Giao Thạnh cũng đã xảy ra một ổ dịch cúm A/H1N1. Ngành y tế cho biết, có lẽ do virus bệnh từ năm xưa còn lưu lại… Nhưng đó chỉ là đồn đoán, bởi ngành chức năng vẫn đủng đỉnh.
Trường Duy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.