Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ra 14 tỉnh: Nguy hiểm và nguy cơ gây chết người

Thứ tư, ngày 19/02/2014 07:35 AM (GMT+7)
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch (CGC) trên thế giới cũng như trong nước, chiều 18.), Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống CGC đã họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì buổi họp.
Bình luận 0
Dịch xảy ra ở cả 3 miền

Là địa bàn xảy ra ổ dịch từ đầu 2014 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 10 đến 17.2, tỉnh đã phát hiện các ổ dịch cúm A/H5N1 làm chết hơn 7.000 con gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Lào Cai đã xuất 5.000 lít hoá chất phục vụ cho việc tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch có thể tái phát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ, cho biết: “Kể từ ngày ổ dịch CGC được phát hiện và tiêu huỷ hôm 3.1 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh đến ngày 18.2, dịch đã xảy ra ở 10 hộ của 9 thôn, thuộc 8 xã, trên địa bàn 4 huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Dịch bệnh đã làm chết và phải tiêu huỷ 8.703 con gia cầm. Hiện tình hình dịch CGC trên địa bàn Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra diện rộng”.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng cho gia cầm tại chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) chiều 18.2.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng cho gia cầm tại chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) chiều 18.2.

Tại khu vực Tây Nguyên, theo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 ổ dịch tại 4 địa phương và tiêu huỷ gần 3.000 con gia cầm. Theo đánh giá của cơ quan thú y, hiện nguy cơ phát sinh CGC tại các ổ dịch vẫn rất cao. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên tại 4 chợ buôn bán gia cầm sống cho thấy, 100% số mẫu dương tính với cúm A/H5N1.

Tại Lạng Sơn, tỉnh có đường biên giới dài 231km với Trung Quốc, có nguy cơ cao lây lan dịch CGC A/H5N1 và cả nguy cơ lây lan virus H7N9 nên công tác phòng chống dịch CGC đang hết sức khẩn trương. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển buôn bán gia cầm, tặng cho giữa các cư dân biên giới. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu gia cầm tập trung ở các cánh gà của các Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma vì gần Quốc lộ 1A đi sâu vào nội địa nên đã bố trí các lực lượng chức năng tập trung tại các điểm này, chặn ngay từ biên giới. Từ 1.1 đến 17.2 các lực lượng chức năng của Lạng Sơn đã phát hiện 28 vụ vận chuyển gia cầm qua đường mòn, thu giữ 250kg gà thịt, hơn 9.000 con gà giống, hơn 2.000 con bồ câu.

Sẽ có nhiều người mắc bệnh?


Nhận định về khả năng dịch CGC có khả năng lây lan sang người tại cuộc họp chiều qua, Ông Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả hai chủng virus gây dịch cúm H5N1 và H7N9 đều đáng sợ. Đối với cúm H5N1 hiện đang có tình trạng bùng phát trở lại, chưa đầy 2 tháng đầu năm đã có 2 trường hợp tử vong. “Nếu không làm tốt việc phòng chống thì cứ 1 tháng sẽ có 1 ca nhiễm cúm và tỷ lệ tử vong từ nay đến cuối năm sẽ rất cao” - ông Phu cảnh báo. Theo ông Phu, tại Trung Quốc, vừa qua ngành chức năng đã lấy hơn 400 mẫu ngoài môi trường xét nghiệm, thì chỉ có 8 mẫu dương tính với H7N9 - tỷ lệ rất nhỏ, nhưng số người mắc bệnh và tử vong lại rất cao.

Cục Thú y bị phê bình
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã phê bình Cục Thú y do cập nhật số liệu không chính xác về tình hình dịch CGC. Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến 18.2, có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh: Đăk Lăk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh; tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy hơn 118.000 con. Một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi).

Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch CGC Cao Đức Phát cho biết, tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay là rất nguy hiểm, trong nước đang xảy ra nhiều ổ dịch H5N1 và nguy cơ xâm nhập H7N9 vào nước ta rất cao. “Nguy cơ này đã được các tổ chức quốc tế cảnh báo và gửi thư trực tiếp cho tôi, trong khi dịch H5N1 cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh. Số liệu hôm sau luôn cao hơn hôm trước cho thấy dịch tiếp tục lan rộng” - ông Phát nói rõ.

Ông Phát cũng nhấn mạnh: “Dịch chưa lên đến đỉnh, nhưng và còn có thể lan rộng nếu không có biện pháp khống chế sẽ bùng nổ ở các mức độ khác nhau, không chỉ lây lan từ Trung Quốc mà còn dấu hiệu cho thấy lây lan từ biên giới phía Tây Nam. Kinh nghiệm hơn 10 năm phòng chống CGC cho thấy, khi có nhiều gia cầm cúm thì sẽ có nhiều người mắc bệnh và tử vong. Do đó, tôi thiết tha đề nghị các địa phương, đặc biệt các tỉnh biên giới và lực lượng chức năng đồng lòng ngăn chặn sự xâm nhập của virus H7N9 vào Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, dịch CGC đang có dấu hiệu mở rộng nên đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, không để lây lan rộng. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NNPTNT sẽ nâng vaccine CGC dự trữ từ 35 triệu lên 60 triệu liều để sẵn sàng cho phòng chống nếu dịch CGC bùng phát trên diện rộng.

Đồng thời, ông Hải cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện khẩn cấp tháng tiêu độc khử trùng. Tuyên truyền mạnh mẽ hơn để khoanh được dịch, dập được dịch và đặc biệt không để lây lan sang người gây tử vong...

Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem