Mới đây nhất, Thái Lan đã ban bố hàng loạt công điện khẩn khắp quốc gia để tìm cách phòng chống bệnh. Ở Việt Nam, dự kiến một cuộc họp cấp Chính phủ cũng sẽ được tổ chức vào cuối tuần này để đối phó với ASF.
Dịch bệnh vượt tầm kiểm soát
Năm 1957, lần đầu tiên bệnh ASF được phát hiện tại châu Âu. Năm 2008, bệnh cũng được phát hiện tại một số nước châu Mỹ. Đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh, được thể hiện ở mức ứng phó khẩn cấp.
Đàn lợn trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á đứng trước nguy cơ xâm nhiễm cao. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), hiện Trung Quốc đã có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn buộc phải tiêu hủy và hiện nay, bệnh đang tiến dần về các tỉnh phía Nam, nơi tiếp giáp biên giới Việt Nam. |
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), hiện Trung Quốc đã có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn buộc phải tiêu hủy và hiện nay, bệnh đang tiến dần về các tỉnh phía Nam, nơi tiếp giáp biên giới Việt Nam.
Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi vùng có bệnh. Việc tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ được hỗ trợ khoảng 115USD/con, không phân biệt lợn to, nhỏ.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước có ngành chăn nuôi lợn phát triển nhất trong khu vực. Cục Chăn nuôi Thái Lan lo ngại các loại hàng hóa từ Trung Quốc có thể được vận chuyển bằng đường thủy trên sông Mekong xuống phía Nam. Ngoài ra, rủi ro cũng có thể đến từ việc Thái Lan nhập khẩu lợn, lợn sữa từ các nước láng giềng, từ Việt Nam qua Lào để chế biến tiêu thụ trong nước.
Cục Chăn nuôi Thái Lan nhận định, với những bài học về con đường lan truyền dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc và Hongkong trong quá khứ, tất cả các nước Đông Nam Á đều có nguy cơ bị dịch ASF.
Ông Jirasak Pipatanapongsopom - Cục phó Cục Chăn nuôi Thái Lan đã ký công điện tối khẩn gửi tất cả các trạm kiểm dịch. “Nếu bệnh xảy ra sẽ rất khó loại trừ. Bệnh có khả năng xâm nhiễm vào Đông Nam Á, Thái Lan và gây thiệt hại kinh tế cho trong nước” - công điện nêu. Tiếp đó, ngày 22.8, Thái Lan công bố hoãn nhập khẩu hoặc quá cảnh lợn sống và xác lợn từ Trung Quốc.
Ban xem xét kế hoạch đối phó ASF cũng đã được thành lập cùng nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao như kiểm tra chặt chẽ hành lý của khách du lịch tại các sân bay, cửa khẩu, cảng biển, kể cả sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ.
Cần chuẩn bị giải pháp hỗ trợ tiêu hủy
Năm 2006, bệnh tai xanh từng gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc. Trong vùng có dịch, sản lượng lợn đã sụt giảm 25% so với năm 2005. Nhưng bệnh tai xanh có vaccine phòng bệnh. Ông Anan Lertwilai - Trung tâm Chẩn đoán và cố vấn thú y (Công ty C.P Việt Nam) lo ngại, thiệt hại sẽ thế nào nếu ASF bùng phát khi căn bệnh này vẫn chưa có vaccine và biện pháp xử lý hiệu quả.
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị hữu hiệu, gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao, người dân nên mua con giống từ các cơ sở có y tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Ảnh: Đức Thịnh
Ông này nghi ngờ rằng, tháng 8.2018 không phải là thời điểm ASF xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc khi nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có thể đã xuất hiện từ tháng 6 hoặc sớm hơn.
“Virus đã có cơ hội lây lan rộng khắp trong khoảng thời gian dịch bệnh chưa được công bố. Và hiện nó đã lây lan tới đâu mới là điều nguy hiểm” - ông Anan đặt vấn đề.
Tại tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, ông Trần Hữu Trung - một chủ trang trại ở Gia Kiệm cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cáo người chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, dịch tễ chuồng trại. Thời điểm này lại đang vào mùa mưa bão, lợn con là đối tượng rất dễ mắc bệnh nên càng phải cảnh giác cao.
Điều đáng ngại theo ông Trung là phải kiểm soát được nguồn bệnh từ các ký chủ trung gian, từ thương lái mua bán lậu, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam cho đến côn trùng mang mầm bệnh (con ve mềm).
Đặt trường hợp không mong muốn, nếu bệnh ASF xâm nhiễm vào trong nước, ông Trung nói thẳng, biện pháp hỗ trợ tiêu hủy động vật là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả cho giải pháp thanh toán tất cả dịch bệnh.
“Nếu Chính phủ không hỗ trợ hoặc hỗ trợ không nhiều và không kịp thời sẽ khiến nhiều chủ trại lợn bệnh không thông báo cho chính quyền và chuyển lợn đi nơi khác hoặc giết mổ để tự tiêu thụ. Khi tiêu hủy xác động vật bằng phương pháp không thích hợp sẽ là nguyên nhân làm gia tăng phát tán dịch bệnh” - ông Trung nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.