Dịch vụ “lạ”: Chuyển phát nhanh ấn đền Trần

Tất Định – Hồng Phú Thứ tư, ngày 24/02/2016 16:00 PM (GMT+7)
Quầy chuyển phát nhanh được đặt ngay trước cổng khu di tích, phục vụ chuyển phát ấn đền Trần đi khắp trong nước, quốc tế.
Bình luận 0

img

Băng rôn quảng cáo dịch vụ chuyển phát ấn đền Trần của Bưu điện tỉnh Nam Định

Từ ngày 22.2 (15 tháng Giêng), đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) bắt đầu phát ấn. Hàng vạn du khách từ khắp nơi đổ về đây, chen chân xếp hàng để xin ấn cầu may đầu năm.

Du khách tới đền Trần bất ngờ, lạ lẫm trước những tấm băng rôn quảng cáo dịch vụ EMS, chuyển phát nhanh ấn đền Trần của Bưu điện Nam Định. Một số người nhận xét dịch vụ này khá thuận tiện để gửi ấn cho người thân, bạn bè ở xa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng dịch vụ này biến ấn đền Trần, vật phẩm mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp thành hàng hóa thương mại.

Ông Nguyễn Văn Năng, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Nam Định cho biết, đây là năm thứ 2 bưu điện tỉnh mở dịch vụ chuyển phát ấn đền Trần.

“Ấn đền Trần khi gửi qua đường bưu điện cũng như bao hàng hóa khác, không nằm trong danh mục cấm. Ấn cũng nằm trong danh mục mà bưu điện tỉnh phục vụ người dân”, ông Năng nói.

Theo Phó giám đốc Bưu điện Nam Định, vì chuyển ấn cũng như chuyển hàng hóa khác nên rất khó để thống kê số lượng khách hàng chuyển phát ấn đền Trần.

Ông Năng khẳng định bưu điện tỉnh chỉ chuyển ấn do khách hàng tự mang đến chứ không xin ấn hộ khách hàng.

Một nhân viên kinh doanh của Bưu điện Nam Định cho biết, trường hợp khách hàng đã xin ấn muốn gửi cho người thân, bạn bè ở xa thì chỉ cần ghi rõ địa chỉ nhận, thanh toán chi phí, bưu điện sẽ chuyển đến đúng địa chỉ. Phí chuyển bưu phẩm được theo trọng lượng, hình thức chuyển thường và chuyển nhanh

Ông Cao Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần, Phó trưởng ban tổ chức Lễ khai ấn cho hay, dịch vụ chuyển phát ấn không nằm trong kế hoạch của ban tổ chức.

“Chúng tôi nhận thấy đây là một dịch vụ phù hợp, nên đã tạo điều kiện cho bưu điện làm. Nhiều du khách ở xa, muốn xin lộc ấn nhưng không đến trực tiếp có thể nhờ người thân xin giúp và chuyển qua bưu điện”, ông Hoạt nói.

Ông Hoạt cho hay, khoảng cách từ đền Trần đến Bưu điện Nam Định là 4-5km, những năm trước đây, người dân di chuyển, xếp hàng dài ở bưu điện chờ gửi ấn gây ra ùn tắc giao thông.

Nhiều trường hợp du khách đặc biệt như các cụ cao niên, người khuyết tật, ở xa có mong muốn xin ấn và đặt trước, ban tổ chức cũng gửi giúp qua đường bưu điện.

“Tôi nghĩ đây là một dịch vụ văn minh, nên duy trì hằng năm. Chuyển phát qua đường bưu điện không  khiến hoạt động phát ấn bị thương mại hóa, ngược lại nó đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách, góp phần giảm tải cho di tích, đường giao thông quanh khu vực”, ông Hoạt bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem