Thi sĩ Tagore (Ấn Độ) có một câu thơ chua chát: "Thần thánh là do con người tạo ra. Nhưng khi Thần thánh lên ngôi thì con người thất bại".
Có vẻ như chúng ta đang thất bại khi tâm thế dân chúng quay ngoắt 180 độ so với thời cách mạng Tháng Tám. Từ bài trừ mê tín dị đoan một cách quá đáng (phá đình chùa, miếu mạo, lễ hội v.v) đến rầm rộ cúng bái, bói toán, xây chùa chiền, cúng lễ và cơ man lễ hội các cỡ. Cả nước hiện có tới 8.902 lễ hội được đăng ký, chưa kể tới hàng chục ngàn lễ hội nhỏ hơn thuộc xã hay thậm chí một thôn. Có những lễ hội nổi tiếng rùng rợn, phản cảm đến mức dã man như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội cầu trâu, cướp phết (cả hai đều ở Phú Thọ), đâm trâu ở Tây Nguyên...
Rùng rợn, phản cảm rõ ràng nhưng không ai ngăn được, kể cả chính quyền, Bởi vì, đây là chuyện “tâm linh”, “phong tục”, đúng sai chưa phân giải, miễn bàn. Chưa có lúc nào các nhà ngoại cảm, thầy cúng, thầy bói, thầy phong thủy rộ lên nhiều như bây giờ. Cũng như lễ hội, công trình cúng bái, nhất là chùa chiền, “quần thể chùa chiền” được xây dựng nhiều, to lớn, tốn kém như bây giờ nhưng chưa thấy giới kiến trúc khen được chùa nào. Có thể to nhưng không đẹp, càng không phải chùa Việt mà thường giống chùa Tàu. Ai dám bảo nay là thời “mạt pháp”? Pháp có mạt, nhưng tiền đang lên ngôi. Cúng bái, lễ hội, trò chơi “tâm linh” đang đẻ ra tiền, đang góp phần cho tăng trưởng quốc gia và chắc chắn biến nhiều người thành tỷ phú.
Thật khó mà bàn luận phải quấy về hàng chục ngàn lễ hội trong cả nước. Chỉ xin dừng lại một lễ hội nổi tiếng vào bậc nhất, lại được cổ súy bởi nhiều quan chức, học giả và chính quyền địa phương. Đó là lễ hội “phát ấn đền Trần”. Chưa ai đưa ra được một chứng cứ tin cậy về lễ hội này được quan niệm và tổ chức ra sao từ thời Trần. Ngay cả cái “ấn” cũng còn nghi ngờ thật hay giả, cổ hay giả cổ. Nhưng người ta cứ nhắm mắt giải thích mọi vấn đề còn mù mờ ấy theo chiều hướng có lợi nhất cho sự tồn tại của lễ hội này.
4h sáng 22/2, hàng ngàn người dân đứng xếp hàng chật kín chờ mua ấn Đền Trần.
Đó là, đầu năm, nhà vua làm lễ khai ấn, ban phát chức tước, mưa móc cho thần dân. Ai đang làm quan thì may mắn sẽ được thăng chức. Ai đang là dân ngu cu đen thì may ra sẽ được làm quan. Làm quan! Làm quan để đổi đời! Cái lạc hậu, thua chị kém em của nước ta, dân ta có thể bắt nguồn từ một hằng số tâm lý người Việt trước đây với 90 phần trăm là nông dân. Chỉ có hai lối ra cho cuộc đời: làm quan hoặc đi cày! Cho nên, dù có thịt nát xương tan, nhảy lên đầu nhau, sứt đầu mẻ trán cũng cố cướp bằng được một cái ấn lấy may vào dịp đầu năm. Thế mới có cảnh “hãi hùng, nghẹt thở, kinh hoàng, chen chúc, bẹp ruột, chặt chém trong đêm xin – cướp ấn đền Trần”… Đó là những cái tít của báo chí sau ngày rằm tháng Giêng hằng năm như không đổi, rất nhiều năm trở lại đây, về lễ hội “khai ấn đền Trần” ở Nam Định.
Theo ngu ý của người viết bài này, không hiểu tại sao các vị học giả, các nhà chăn dắt dân chúng không giải thích “Lễ khai ấn” theo chiều hướng có tầm văn hóa cao hơn của một triều vua thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử nước ta. Lễ này có từ thời Trần, mở vào khoảng giữa “tháng ăn chơi”, mục đích là để nhà vua và triều đình khẳng định một năm làm việc mới của hệ thống quan lại các cấp. “Khai ấn” chỉ có nghĩa là “bắt đầu đóng triện”, hệ thống khởi động làm việc sau nhiều ngày cất ấn nghỉ Tết. Đời sau, ngày khai ấn, trở thành một lễ hội dân gian lành mạnh và tốt đẹp để tưởng nhớ công đức nhà Trần, cũng là nhắc nhở mọi người nhất là quan lại, trở về với công việc và bổn phận sau Tết. Nên nhờ rằng thời Trần kỷ luật, kỷ cương rất nghiêm, một di sản tích cực của Trần Thủ Độ.
Không biết từ bao giờ, có lẽ là chỉ mấy năm nay thôi, chen nhau trước cửa đền Trần không phải để cùng nhau hứa hẹn một năm trách nhiệm, nghiêm chỉnh làm việc, thật lạ kỳ là có cả những quan chức cao cấp, tầm cỡ xuất hiện để chủ trì lễ bái, cầu xin, thậm chí “cướp” để “chạy chức” với thần thánh. Một bên là danh, một bên là lợi. Cái thói hám danh lợi ấy sinh ra từ đâu chúng ta biết quá rõ rồi.
Tôi nghĩ rằng, nếu có linh thiêng, các đời vua Trần không tuyển quan lại (công chức) từ những người đến xin, đến cướp. Mà qua khoa cử, qua tiến cử người hiền tài, “ba lần đến lều tranh”, qua quy chế nghiêm nhặt của một triều vua thịnh trị. Kẻ xin làm quan, chạy đủ trò để được làm quan là kẻ vứt đi, đáng chặt một ngón chân, vua cũng như dân không màng. Câu chuyện Trần Thủ Độ xin được chặt ngón chân cái của thằng cháu vợ “chạy chức” dù đó chỉ là một chức “câu đương” (chắc tầm cỡ tổ trưởng hay tiểu độ trưởng bây giờ) để đánh dấu nó với người khác (mà tiếp tục “ưu ái”), nói lên tinh thần nghiêm chỉnh về mặt nhân sự của một trong những triều vua vĩ đại nhất của nước Đại Việt ta.
Chen “bẹp bụng” để xin ấn, cướp ấn, chạy chức một cách công khai không thèm biết thế nào là xấu hổ, liêm sỉ, lại thêm trò ấn giả…tấn trò này lẽ nào lại được khuyến khích? Và mới đây, một ông cựu Viện trưởng khảo cổ lại muốn cổ súy cho ra đời một lễ hội có khả biến thành trò “cướp ấn” nữa ở Thăng Long. Xin can các vị, một lễ khai ấn ở thành Nam có lẽ là quá đủ. Xin đừng thêm tiết mục Thánh ban phát danh lợi. Mà danh lợi là thứ mật ngọt luôn có số lượng hạn chế. Nhưng ruồi lại quá nhiều.
Xin hãy chỉnh đốn, tìm cách ngừng lại, chặn lại thứ “văn hóa cướp” vốn có nguồn gốc sâu xa. Từ cướp phần xôi thịt đình làng, đẻ con trai thì “Mong cho chóng lớn mà ăn cướp/ Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài” (thơ Nghè Tân mừng bạn), cướp cả hòn gạch xếp lốt mua hàng thời bao cấp, tranh cướp vé tàu xe đến cướp trên tay nhau từng lá phiếu bằng thủ đoạn hèn hạ, người Việt vốn đã mang tiếng là “không biết xếp hàng”.
Không mong chờ xây thêm chùa chiền, thậm chí tượng đài để phục hưng văn hóa dân tộc đang xuống cấp trầm trọng, cũng không mong biến lĩnh vực tâm linh thành một hoạt động đưa lại tăng trưởng hay phát triển du lịch. Tàn tích văn hóa lạc hậu của ta đã có quá nhiều. Xin hãy hướng lớp trẻ vào khát vọng xây dựng một nền văn hóa trong trẻo, tích cực “gạn đục khơi trong” các thứ lễ hội để đưa đất nước hòa nhập thế giới văn minh, chứ không chỉ “khai thác” chúng đẻ ra tiền bằng mọi giá!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.