Điểm chuẩn tuyển sinh 2018:Điểm chuẩn “nhảy múa”,  biến động mạnh

Việt Phương Thứ hai, ngày 06/08/2018 06:22 AM (GMT+7)
Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học năm 2018 được cho là sẽ có biến động mạnh, đặc biệt là ở top đầu do điểm thi THPT quốc gia 2018 mặt bằng chung là thấp.
Bình luận 0

Điểm chuẩn  “nhảy múa”

Theo Bộ GDĐT, 17 giờ chiều ngày 5.8 là thời gian chính thức các trường đại học công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2018, sau khi Bộ GDĐT chốt kết quả lọc ảo. Như vậy, muộn nhất là vào 17 giờ ngày 6.8, các trường phải đưa ra được điểm chuẩn, cập nhật trên trang website của trường.

Trước đó, từ phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều dự đoán cho rằng sẽ có biến động mạnh trong điểm chuẩn năm nay, đặc biệt là các trường top đầu, điểm chuẩn có thể tụt tới 3-4 điểm so với năm ngoái. Nguyên nhân được đưa ra là vì đề thi năm nay khó, điểm mặt bằng chung giảm, ít điểm 9-10 cũng là một nguyên nhân khiến điểm các trường hàng đầu phải đồng loạt giảm điểm.

img

Thí sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh:  Việt Phương

Chiều 4.8, Đại học Ngoại thương đã công bố điểm chuẩn chính thức, điều gây ngạc nhiên là điểm chuẩn năm nay của trường thấp kỷ lục. Cụ thể, tại cơ sở Hà Nội, điểm trúng tuyển của nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế và Luật và Nhóm Ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh quốc tế là 24,1.

Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán là 23,65. Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh là 23,73; ngành Ngôn ngữ Pháp là 22,65; ngành Ngôn ngữ Trung là 23,69, ngành Ngôn ngữ Nhật là 23,70.

Tại cơ sở TP.HCM, nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế Quốc tế và Luật, nhóm ngành Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Kinh doanh Quốc tế và nhóm ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất tương ứng là 24,1; 24,1 và 24,25.

Trong khi đó, năm 2017, điểm chuẩn vào Đại học Ngoại thương cao nhất là khối A00 nhóm ngành NTH01, điểm trúng tuyển là 28,25 điểm, điểm Toán tiêu chí phụ là 9,2 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất vào Đại học Ngoại thương năm 2017 là 24,25 nhóm ngành NTH05. Phần lớn các ngành khác điểm chuẩn trúng tuyển từ 26-28 điểm.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Năm nay điểm sàn ngành chất lượng cao của trường là 21,5. Các ngành đào tạo đại trà là 20, ngành đào tạo liên kết là 18. Đây là ngưỡng điểm đầu vào cao, chỉ xếp sau các trường thuộc khối ngành công an, quân đội”.

Ông Tớp cho biết điều này thể hiện quan điểm của nhà trường là chú trọng chất lượng đầu vào, thậm chí có thể tuyển thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn giữ quan điểm tuyển đủ sinh viên chất lượng.

Trường top giữa  tăng điểm chuẩn

Trong khi các trường đại học top đầu đều có xu hướng giảm điểm chuẩn, thì một bất ngờ khác lại diễn ra với các trường đại học top giữa.

Theo đó, năm nay điểm chuẩn cao nhất vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cao hơn năm ngoái. Cụ thể, ngành Thiết kế đồ họa của trường có mức điểm chuẩn cao nhất với 22,28 điểm. Ngành này năm 2017 trường lấy mức 20 điểm. Tương tự, các ngành khác của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội như Điêu khắc, Hội họa, Gốm... lấy mức thấp nhất là 19 điểm, trong khi năm 2017 chỉ 15 điểm đã đỗ.

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất đối với ngành Kế toán là 20 điểm. Ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin lấy 19 điểm, các ngành còn lại là 18.  Năm 2017, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có điểm chuẩn chỉ từ 15,5 - 18,5 điểm với tất cả các khối, ngành.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng công bố điểm chuẩn chính thức ở mức từ 18 - 24 điểm. Mức điểm này có nhỉnh hơn so với năm 2017 từ 1 - 2,5 điểm ở tất cả các khối, ngành.

Như vậy, nếu như điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học top đầu giảm từ 2 tới 4 điểm so với năm ngoái, thì điểm chuẩn của nhiều trường top giữa lại tăng nhẹ từ 1-3 điểm.

Riêng khối ngành sư phạm được Bộ GDĐT áp dụng “điểm sàn”. Nếu như năm ngoái điểm sàn ngành này là 15,5 thì năm nay điểm sàn là 17. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số có 125.269 nguyện vọng của thí sinh nộp vào khối ngành sư phạm, riêng nguyện vọng 1 là 43.928, trong khi khối ngành này chỉ có 35.590 chỉ tiêu.

Phổ điểm của năm nay và năm ngoái không giống nhau, phổ điểm năm ngoái thì điểm cao rất rộng. Phổ điểm của năm nay, có thể thấy điểm cao rất ít và trải không rộng. Các trường top đầu luôn lấy phần điểm cao nhất, vì vậy điểm thi không cao thì họ buộc phải hạ điểm chuẩn xuống. Còn với các trường top giữa, do sự biến động không nhiều ở phổ điểm, nên việc tăng nhẹ điểm chuẩn cũng không quá khó hiểu”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Vì vậy, dự kiến điểm chuẩn của khối ngành này sẽ cao hơn năm ngoái cũng như so với tương quan chung của toàn bộ các trường đại học.

Nguyên nhân do đề thi chưa tốt

Theo nhận định của tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), hiện tượng điểm thi top đầu giảm mạnh, top giữa lại tăng nhẹ rất dễ hiểu nếu nhìn vào phổ điểm. “Phổ điểm của năm nay và năm ngoái không giống nhau, phổ điểm năm ngoái thì điểm cao rất rộng. Nguyên nhân do đề thi năm ngoái dễ hơn, điểm cao hơn. Phổ điểm của năm nay, có thể thấy điểm cao rất ít và trải không rộng. Các trường top đầu luôn lấy phần điểm cao nhất, vì vậy điểm thi không cao thì họ buộc phải hạ xuống. Còn phần các trường top giữa, thì sự biến động không nhiều ở phổ điểm, nên việc tăng nhẹ cũng không quá khó hiểu”- ông Khuyến phân tích.

Ngoài ra, ông Khuyến cũng cho rằng một phần lý do tới từ việc các thí sinh rút hồ sơ ồ ạt từ các trường top đầu để nộp vào các trường top giữa cũng khiến cho điểm các trường này bất ngờ có sự tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Khuyến, đây cũng chỉ là một trong nhiều lý do.

Trả lời cho câu hỏi: “Liệu việc điểm chuẩn giảm có ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào của các trường top đầu hay không?”- tiến sĩ Khuyến khẳng định, sẽ không xảy ra hiện tượng này. Bởi kỳ thi THPT quốc gia 2018 là một kỳ thi chuẩn hóa. Trên lý thuyết thậm chí có thể lấy kết quả của năm 2017 để tuyển sinh cho 2018. Ông Khuyến lấy ví dụ như các kỳ thi tiếng Anh TOEFL hoặc IELTS đều sử dụng cách thi chuẩn hóa như thế này.

“Để kỳ thi chuẩn hóa đạt chất lượng cao nhất, việc xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên để làm được điều này không phải dễ, đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ, trình độ cao. Vì vậy, không thể xây dựng được trong một sớm, một chiều mà cần có thời gian”- ông Khuyến khẳng định.

PGS-TS Bùi Đức Triệu –  Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân:  “Điểm chuẩn thấp không có nghĩa chất lượng thí sinh kém”

img

Năm nay điểm thi giảm so với năm ngoái, thì điểm để vào trường Kinh tế quốc dân cũng sẽ giảm theo tình hình chung.

Năm ngoái điểm đủ để vào trường là 23,5 thì năm nay giảm khoảng 2-3 điểm. Năm nay trường mở thêm 12 ngành mới. Đại học Kinh tế quốc dân có 37 mã ngành nên điểm chuẩn ở khoảng rất rộng.

Điểm giảm hơn so với năm trước không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay kém hơn năm trước. Vì nói một cách đơn giản là năm nay đề có tính phân hóa cao hơn nên điểm thi thấp hơn cũng là chuyện bình thường.

PGS-TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng Phòng Đào tạo
 Trường Đại học Bách Khoa: “Điểm chuẩn giảm 3-4 điểm”

img

 Với phổ điểm thấp hơn năm ngoái như năm nay, chủ yếu các trường chịu tác động là các trường top trên. Còn các trường top giữa và top dưới sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng. Điểm thi năm nay sẽ ảnh hưởng tới những ngành “nóng” của Đại học Bách khoa năm trước có mức điểm chuẩn từ 27 trở lên như điện tử, cơ điện tử, viễn thông, máy tính… Điểm chuẩn năm nay của các ngành này sẽ giảm.

Các ngành có mức điểm chuẩn thấp có thể giữ ổn định hoặc giảm nhẹ hơn một chút. Điểm chuẩn sẽ giảm khoảng 3-4 điểm”.

Hà My (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem