Điểm mới tuyển sinh 2023: "Thí sinh đăng ký theo ngành, Bộ và trường nhận phần vất vả cho mình"
Điểm mới tuyển sinh 2023: "Thí sinh đăng ký theo ngành, Bộ và trường nhận phần vất vả cho mình"
Tào Nga
Thứ hai, ngày 20/03/2023 06:28 AM (GMT+7)
Bắt đầu từ năm nay, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ đăng ký theo mã tuyển sinh (theo ngành). Đại diện Bộ GDĐT và các trường đã nhận xét về điểm mới này.
Đăng ký xét tuyển theo ngành: Thí sinh được ưu tiên tối đa
Chia sẻ về tuyển sinh đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT đã phổ biến ba điểm mới. Đó là cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên; Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp; Thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh (theo ngành), thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển.
Trong 3 điểm mới này, việc thay đổi đăng ký xét tuyển đại học theo ngành được chú ý. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, để tránh việc thí sinh đăng ký nhầm tổ hợp và phương thức xét tuyển, năm nay, các thí sinh chỉ đăng ký vào ngành các em muốn xét tuyển.
"Ngành học đó có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường đại học sẽ dùng tất cả những kết quả các em có để xét tuyển tốt nhất có thể cho các em trúng tuyển vào ngành đó. Các em chỉ cần đăng ký ngành mình mong muốn ứng tuyển và có kết quả các tổ hợp phù hợp phương thức xét tuyển cho ngành học đó là được xét tuyển. Như vậy, thí sinh được ưu tiên tối đa trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có", bà Thủy giải thích.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, cũng như năm trước, thí sinh năm nay được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, ngược lại cũng không nên đăng ký quá ít, đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro. Năm ngoái, có những em đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất và tưởng mình chắc chắn trúng tuyển. Sau đó vì sai sót về đối tượng/khu vực ưu tiên, cuối cùng đã không trúng tuyển và lỡ hết các cơ hội khác.
"Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình mong muốn nhất lên số 1 vì, khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4...", Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nói.
Về phía các cơ sở đào tạo, việc xét tuyển sẽ công bằng với tất cả các nguyện vọng. Vì thế quan trọng nhất là thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển, không lo nguyện vọng đó nằm ở số 1 hay số 5. Hệ thống sẽ xử lý để thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng xếp ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện.
"Bộ và trường nhận phần vất vả cho mình"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về xét tuyển theo ngành thay vì chọn phương thức, TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: "Đây là điểm mới cần lưu tâm. Đối với các thí sinh, việc xét tuyển theo ngành là điều tốt. Các em không cần quan tâm phải đăng ký ngành này phương thức nào. Thí sinh có tất cả bao nhiêu kết quả như điểm thi đánh giá năng lực, học bạ, chứng chỉ tiếng Anh... thì Bộ và các trường sẽ tự tìm ra kết quả tốt nhất, giúp các em có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Bộ và trường nhận phần vất vả cho mình".
TS Thạc lý giải, phần "vất vả" đó là các trường tuyển sinh sớm phải nhắc nhở các em để các em đăng ký cho chính xác. Trong quá trình thực hiện, khâu kỹ thuật sẽ không đơn giản. Năm ngoái việc phân luồng thí sinh đăng ký phương thức nào đi theo phương thức đó. Năm nay, trong ma trận kết quả như thế thì làm sao để tìm kết quả tốt nhất cho các em. Tuy nhiên, thí sinh không nên quá bận tâm vì đây là khâu kỹ thuật và chắn chắn Bộ đã giải quyết xong trước khi công bố.
Đồng quan điểm, TS. Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu: "Tôi thấy rằng cách làm này sẽ thuận lợi cho thí sinh. Trước đây các em đăng ký theo tổ hợp, giờ chỉ cần chọn ngành và hệ thống tự tối ưu kết quả tốt nhất cho thí sinh. Các nhà trường sẽ chia ra một số phương thức để đa dạng hóa nguồn tuyển. Nếu hệ thống của Bộ giải quyết được chuyện này sẽ thuận lợi cho trường tuyển được thí sinh đáp ứng nhu cầu đào tạo".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.