Điểm mới về quy định phát ngôn

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà Thủ tướng vừa ký ban hành, Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước gồm:
Bình luận 0

1- Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước; 2- Người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (Người phát ngôn). 3- Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (Người được ủy quyền phát ngôn) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

img
Ông Vũ Đức Đam - người phát ngôn của Chính phủ.

Theo quy định này, người phát ngôn quy định tại điểm 2 nêu trên nếu đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

“Việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng cho từng vụ việc và có thời hạn nhất định”- quy định của Thủ tướng nêu rõ.

Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan hành chính Nhà nước trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.

Người phát ngôn, người được ủy quyền quy định tại điểm 2, 3 nêu trên không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Đặc biệt, quy chế cũng nêu rõ, các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Quy chế nêu rõ, Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường:

1- Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.

Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.

2- Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên.

3- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Phan Lợi - báo Pháp luật TP.HCM:

Có một điều mà báo chí đấu tranh mãi nhưng vẫn chưa đưa vào quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là chế tài cho việc phát ngôn sai và chậm phát ngôn.

Ở vụ Tiên Lãng, đại diện chính quyền nói rằng người phá nhà ông Đoàn Văn Vươn là nhân dân, đấy là phát ngôn sai. Còn về clip đánh 2 nhà báo VOV, cơ quan chức năng nói clip này dàn dựng, giả mạo nhưng thực chất không phải như thế. Đấy là những thông tin sai do chính quyền phát ngôn nhưng không hề có chế tài nào cả.

Hiện nay mới có chế tài cho việc không phát ngôn, còn chúng ta đang thực sự thiếu chế tài xử phạt việc người phát ngôn cơ quan nhà nước cung cấp thông tin sai. Đấy là những thứ rất nguy hiểm và cần có chế tài ngay.

Nhà báo Vũ Chương - báo điện tử Kiến thức:

Trong quy chế phát ngôn mới có điểm rất tiến bộ là nêu rõ quyền miễn trừ của nhà báo khi đăng thông tin sai của người phát ngôn. Đây là điểm mới, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, bởi trước đây một số báo đăng trung thực ý kiến người phát ngôn cũng bị kiện. Theo quy chế mới, báo chí không bị kiện khi đăng nội dung thông tin của người phát ngôn.

Hiện nay Quốc hội đang cởi mở với báo chí, công khai thông tin bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, các phát biểu điều hành đất nước công khai dân chủ. Các cơ quan đoàn thể chính trị xã hội cũng đang xem báo chí là kênh xây dựng hình ảnh và coi báo chí là đối tác. Tôi cho rằng các cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn cần coi báo chí là đối tác, đồng hành.

Nhà báo Dương Hà - Báo Lao Động:

Thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ đã rút ngắn thành ít nhất 3 tháng 1 lần. Thậm chí trong những trường hợp đột xuất bất thường, xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu, người phát ngôn phải cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (quy chế cũ quy định chậm nhất 2 ngày). Điều đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho báo chí để cập nhật kịp thời cho bạn đọc. Ở quy chế cũ, chỉ có người phát ngôn mới cung cấp thông tin thôi, còn quy chế mới các đơn vị nhà nước như cục, vụ, viện thuộc bộ ngành nào đó vẫn được cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài ra còn có trường hợp ủy quyền phát ngôn. Đây là điều rất tiến bộ để nhà báo chủ động hơn trong việc khai thác thông tin.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem