Điểm tên 4 rào cản khiến nông dân khó tiếp cận vốn nông nghiệp CNC

Nguyễn Xuân Thắng Thứ năm, ngày 29/06/2017 08:00 AM (GMT+7)
Đầu tư cho nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư.
Bình luận 0

 

img

 Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng và nới các tiêu chuẩn để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao 100 nghìn tỷ.

Đầu tư cho nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư.

Theo báo cáo của ngành ngân hàng, đến cuối tháng 6.2016 tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế; gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao đến nay đạt 26.000 tỷ đồng... Như vậy cho thấy tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn rất thấp, trong khi dân số, lực lượng lao động, nhu cầu, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực này rất lớn.

Nguyên nhân của thực trạng này trước hết do tư duy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì cần có quy mô lớn, giá trị cao, vì vậy cho vay lĩnh vực này đang có nhiều rào cản: về tài sản bảo đảm, hạn điền đất đai, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, quy hoạch, sử dụng đất của địa phương dễ thay đổi... đặc thù sản xuất kinh doanh nông nghiệp có thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao do phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, thị trường, cạnh tranh hội nhập… trong khi doanh nghiệp nhỏ, vừa, hộ nông dân số đông hạn chế về năng lực ngay từ việc lập phương án hay dự án để vay vốn và tổ chức sản xuất kinh doanh...

Ngay sản xuất nông nghiệp thông thường (chưa theo quy trình công nghệ cao), doanh nghiệp nhỏ, người nông dân đã rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Điển hình như theo quy định Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, những cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng không cần tài sản thế chấp nhưng bên vay vẫn phải nộp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận của UBND xã chưa được cấp sổ đỏ, đất không tranh chấp…

Hiện nay nhiều hộ gia đình chưa được cấp sổ đỏ, nhiều hộ có con cái trưởng thành đã tách hộ nhưng sổ đỏ chưa tách theo hộ, vẫn đứng tên một người do vậy nhiều trường hợp 3,4 hộ chung một sổ đỏ, khi vay chỉ một hộ (cá nhân) được vay đẫn đến thủ tục hành chính rất vướng mắc.

Đối với mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã hình thành nhưng chưa được công nhận hoặc chuyển đổi theo quy định, chưa đủ niềm tin với vốn tín dụng nên chưa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55 của Chính phủ; nhiều Hộ sản xuất trang trại mặc dù có giá trị lớn nhưng không được coi là tài sản đảm bảo nếu chưa có sổ đỏ, nên mức cho vay vẫn chỉ tối đa 100 triệu đồng (vay hộ gia đình), trong khi quy định của Nghị định 55 hộ sản xuất trang trại được vay tối đa từ 1-2 tỷ đồng.

Nghị định 55 cũng đã quy định cho vay nông nghiệp công nghệ cao nhưng hầu như doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân chưa vay được theo ưu đãi này. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiếp cận với vốn vay thông thường đã khó, tiếp cận với vốn vay nông nghiệp công nghệ cao lại càng khó khăn hơn.

Theo báo cáo của ngành ngân hàng, đến cuối tháng 6.2016 tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế; gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao đến nay đạt 26.000 tỷ đồng... Như vậy cho thấy tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn rất thấp, trong khi dân số, lực lượng lao động, nhu cầu, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực này rất lớn.

Hai là, Quy định về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng  công nghệ cao, nông nghiệp sạch là khi dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội so với các nông sản đang có trên thị trường, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... Các dự án này phải được thực hiện trong các vùng hoặc là khu nông nghiệp công nghệ cao được các cơ quan chức năng hoặc địa phương cấp phép và phải có giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các dự án nông nghiệp sạch phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận VietGAP hoặc là các dự án áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế...

Những tiêu chí này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý giám sát, hỗ trợ về chính sách và các ngân hàng hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất... Thông tin đến thời điểm này thì cả nước mới có 25 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một trong số đó là nuôi gà ở Phú Thọ thì chỉ riêng quy trình việc khử trùng đã phải thực hiện qua 16 bước... Đây là những quy trình, quy định mà khiến cho doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân rất khó có thể thực hiện được.

Ba là, đại đa số hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ chưa dám đầu tư lớn vào nông nghiệp, do họ chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn: Tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu Việt Nam hiện nay mới có khoảng 21%, trong khi Thái Lan 36% và Malaixia 45%. Vì vậy những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn thường xảy ra, gây tâm lý sợ hãi không dám đầu tư.

Mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và DN chưa đủ ràng buộc trách nhiệm, dù ký hợp đồng nhưng nếu DN mất đi thị trường, hoặc giá thị trường đi xuống thì doanh nghiệp dễ chối bỏ, nông dân không biết bán cho ai. Ngược lại giá tăng nông dân lại không muốn bán cho DN dễ làm vỡ đơn hàng... Vốn cho nông nghiệp bị mắc kẹt ở đây bởi lý do chính là thị trường nông nghiệp không ổn định.

Bốn là, hiện có một bộ phận hộ nông dân đã hướng đến làm ăn quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao nhưng còn số đông nông dân sản xuất kiểu đại trà, làm theo phong trào, theo số đông, trong khi các chính sách dự báo thị trường yếu, kém, đi sau hoặc không rõ ràng, không được xác định...

Người nông dân không được biết thị trường cần gì, muốn gì, chỉ biết là sản xuất được và tự bán ra thị trường. Thói quen sản xuất hàng hóa mới chỉ hình thành ở một số vùng nông nghiệp nhất định, còn lại đa số vẫn theo tập quán, cách làm truyền thống, với kinh nghiệm cha truyền, con nối, chưa theo phương pháp, kỹ thuật mới, nhất là liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị…

         

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem