Điểm tên ngành học thí sinh ít để ý đến: Ra trường có việc làm ngay, lương thưởng hấp dẫn

Tào Nga Thứ ba, ngày 21/03/2023 10:00 AM (GMT+7)
Đây là những ngành học nhu cầu nhân lực lớn, cam kết có việc làm ngay khi ra trường nhưng thí sinh không biết hoặc thờ ơ vì mải chạy theo xu thế.
Bình luận 0

Nhiều ngành học hot nhưng thí sinh... thờ ơ

Trường Đại học Xây dựng những năm gần đây có điểm chuẩn một số ngành khá thấp, chỉ từ 16 điểm, tương đương với hơn 5 điểm mỗi môn đã trúng tuyến. Có thể kể đến các như Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật vật liệu, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật cơ khí... Điểm chuẩn thấp nhưng những ngành này không phải do chất lượng đào tạo không tốt mà những năm trước, thí sinh từng tranh giành nhau vào học.  

Chia sẻ với PV Dân Việt về vấn đề này, bà Phạm Thị Hạnh, Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Xây dựng cho biết: "Điểm trúng tuyển không nói lên chất lượng của trường hay của ngành đó. Điểm chuẩn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký vào. Thí sinh đăng ký ít thì điểm chuẩn sẽ thấp.

Những ngành lấy 15-16 điểm mấy năm gần đây thì các năm trước kia đều là những ngành "hot" với điểm số cao, thí sinh vất vả mới trúng tuyển vào trường. Tuy nhiên, xu hướng các năm gần đây thí sinh theo thị trường nên các bạn thích các chuyên ngành khác như Kinh tế, Công nghệ thông tin..., dần dần điểm của những ngành này điểm thấp hơn".

Điểm tên ngành học thí sinh ít để ý đến: Ra trường có việc làm ngay, lương thưởng hấp dẫn - Ảnh 1.

Em Lê Phương Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Tào Nga

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay: "Ngành công nghệ thông tin của trường rất đông người học, tuy nhiên ngành Quản lý năng lượng thì thí sinh chưa để ý đến nhiều và có ít người đăng ký".

Ngành Quản lý năng lượng ra trường với nhiều vị trí công việc khác nhau. Được biết, lương ngành này cao nhất ở Việt Nam là khoảng 150 triệu đồng/tháng ở công ty nước ngoài. Còn công ty trong nước là khoảng từ 15 triệu đồng - 50 triệu đồng/tháng. 

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp, Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: "Hiện nay, có một số ngành xã hội đang rất cần nhưng thí sinh lại ít quan tâm như Kỹ thuật tuyển khoáng, Kỹ thuật địa vật lý. Nhiều sinh viên có thể chưa tìm hiểu nên chưa thực sự hứng thú với những ngành này. Năm 2022, ngành Kỹ thuật tuyển khoáng lấy 30 chỉ tiêu, song số lượng tuyển đầu vào chỉ khoảng 10 thí sinh, ngành Kỹ thuật địa vật lý trong khoảng 3-4 năm trở lại đây mỗi khóa chỉ tuyển được trên dưới 5 sinh viên", PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hà, nhu cầu xã hội với những ngành trên hiện rất lớn, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã có thể nhận mức lương từ 15 triệu: "Hàng năm, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực dầu khí, khoáng sản đều tìm đến nhà trường để tuyển dụng, song nhà trường lại không có đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp. Hay không ít các công ty cây xanh đô thị hiện nay đang "khát" kỹ sư học ngành Kỹ thuật địa vật lý để thăm dò mức độ mục nát của cây, đảm bảo an toàn đô thị nhưng rất khó tuyển".

Tương tự, Ths Nguyễn Trọng Tuynh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này rất lớn, song ngày nay nhiều người trẻ e ngại khi chọn những ngành liên quan đến nông nghiệp.

Còn theo PGS.TS Hà Văn Huân, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Lâm nghiệp, không nằm ngoài xu thế chung, các ngành nhóm kinh tế, công nghệ tại trường thu hút nhiều thí sinh đăng ký hơn hẳn các ngành truyền thống như Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Chế biến lâm sản. Đây là những ngành xã hội có nhu cầu rất lớn nhưng  khó khăn trong việc thu hút sinh viên theo học. So với chỉ tiêu đề ra, năm 2022, những ngành trên chỉ tuyển sinh được khoảng 50-60% chỉ tiêu.

"Đây là những ngành sinh viên có cơ hội việc làm rất tốt, nhà trường bảo lãnh 100% sinh viên ra trường có việc làm, riêng ngành Chế biến gỗ, nếu sinh viên không có việc làm, nhà trường sẽ hoàn trả lại 100% kinh phí đào tạo. Hàng năm có rất nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng, tuy nhiên không có sinh viên để đáp ứng", PGS.TS Hà Văn Huân nói.

Cần cơ chế đặc thù

Trước tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho rằng, từ tầm vĩ mô, Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù cho nhóm ngành kỹ thuật như đầu tư cho các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập của sinh viên.

PGS.TS Hà Văn Huân cũng đồng quan điểm rằng, nhiều ngành nhóm kỹ thuật, nông lâm nghiệp đang khó tuyển sinh xuất phát từ tâm lý lựa chọn ngành nghề của giới trẻ như ưa thích những công việc nhẹ nhàng tại các thành phố lớn, thích những ngành nghề dịch vụ hơn là những ngành nghề mang tính kỹ thuật, yêu cầu phải lao động trực tiếp.

Điểm tên ngành học thí sinh ít để ý đến: Ra trường có việc làm ngay, lương thưởng hấp dẫn - Ảnh 2.

Nhiều ngành khát nhân lực nhưng thí sinh vẫn còn thờ ơ. Ảnh minh họa: Tào Nga

Bên cạnh đó, hiện nay công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT ngày càng rõ, ngoài con đường vào đại học, các em còn rất nhiều hướng đi khác như du học, học nghề, xuất khẩu lao động, tham gia trực tiếp vào thị trường lao động… Hiện cả nước chỉ có khoảng 47% học sinh vào đại học, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn ngành nghề của học sinh.

PGS.TS Hà Văn Huân kiến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh dự báo về nhu cầu lao động trong tương lai để học sinh thấy rõ được cơ hội nghề nghiệp, vị trí việc làm từng ngành nghề. Bên cạnh đó, với những ngành cần cho sự phát triển của xã hội nhưng đang thiếu nguồn nhân lực, cần có chính sách hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo, nhất là sinh viên thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt sẽ góp phần thu hút thí sinh tốt hơn.

Bộ GDĐT thống kê, 4 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học ít nhất năm 2022 là Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do các nguyên nhân như: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, có nhiều ngành khoa học kỹ thuật quan trọng nhưng lại ít thí sinh theo học. Nguyên nhân do quá trình theo học những ngành đó khó khăn, vất vả hơn, cần nhiều trang thiết bị hơn, hay việc truyền thông chưa tốt khiến thí sinh chưa hiểu rõ về đặc điểm ngành nghề, dẫn đến không lựa chọn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem