Ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với PV như vậy.
Nếu để Hà Giang tự thanh tra, sẽ “đúng quy trình”
Theo ông Lê Đức Vĩnh, sự bất thường về điểm thi ở Hà Giang ai cũng có thể thấy xác suất để hơn năm nghìn thí sinh Hà Giang có 36 em đạt điểm thi khối A1 trên 27 trong khi phần còn lại của cả nước chỉ có 40 em đạt được, điều này vào khoảng chưa tới một phần tỷ.
“Lật lại quy trình để tìm ra thủ phạm trong thi trắc nghiệm là vô cùng khó khăn. Tôi cho rằng, đã có một nhóm nào đó trong hội đồng chấm thi thông đồng với nhau trong khâu quét bài thi của thí sinh trước khi đưa vào máy chấm.
Tỉ lệ thí sinh khối A1 có điểm thi đạt từ 27 điểm của Hà Giang (xanh) và các tỉnh thành khác (đỏ). (Ảnh: vtv.vn)
Nếu quyết tâm, muốn làm trong sạch nền giáo dục, Bộ GD&ĐT nên mời cơ quan điều tra Công an tham gia. Để Hà Giang tự thanh tra kết quả của chính mình, tôi sợ mọi chuyện lại đúng quy trình mà thôi”, ông Vĩnh chia sẻ.
Trao đổi thêm về sự bất thường về điểm số của các thí sinh trong nhóm 27 điểm của khối A1 nhưng có điểm thi thử thấp, ông Vĩnh cho rằng, cần có điều tra cụ thể về lực học, về hoàn cảnh xuất thân của 36 em khối A1 nói trên qua bạn học, qua thầy cô, qua học bạ 3 năm phổ thông và qua láng giềng của các em này sẽ có bức tranh rõ hơn về sự gian trá đó.
“Theo tôi, đây là vấn đề nghiêm trọng là việc phạm pháp có tổ chức chứ không phải đơn thuần chỉ là gian lận trong thi cử.
Hà Giang không phải là duy nhất. Tôi nghĩ một số tỉnh khác cũng có hiện tượng giống Hà Giang nhưng họ khôn khéo hơn và không “bạo tay” như địa phương này nên chưa bị đưa lên mặt báo”, ông Vĩnh cho hay.
Trao đổi với PV, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc kiểm tra điểm thi “cao bất thường” ở Hà Giang cần phải theo quy trình, thực hiện từ cơ sở. Nếu cơ sở không phát hiện được nguyên nhân, không xử lý được thì lúc đó Bộ GD&ĐT mới vào cuộc để xử lý. Nếu Bộ GD&ĐT không tìm ra nguyên nhân thì Thanh tra Chính phủ và công an mới vào cuộc.
Theo TS Khuyến, nếu điểm thi của vài học sinh cao thì là hiện tượng bình thường nhưng với một số lớn thí sinh có điểm thi cao bất thường như phản ánh mà thuộc vào dạng cao nhất của cả nước thì đó là điều bất thường. Vậy nên cần phải làm rõ nguyên nhân, làm rõ quy trình tổ chức từ coi thi đến chấm thi. Một sự việc đã quá rõ, phải có sự thông đồng mới làm được. Do vậy, địa phương phải làm rõ, không "đánh trống bỏ dùi".
TS Khuyến cho rằng, nếu sau khi phát hiện ra nguyên nhân mà thuộc về lỗi hệ thống thì phải xử lý nghiêm người đứng đầu. Người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trả lời cụ thể về vấn đề này trước công luận.
“Lâu nay việc giám sát, thanh tra thường làm nội bộ. Nếu muốn làm tốt thì phải có giám sát của xã hội, giám sát của các tổ chức khác cùng tham gia. Cùng đó, trách nhiệm giải trình phải được nâng cao trước toàn xã hội một cách minh bạch thì mới hiệu qủa. Sự việc của Hà Giang cần có sự giám sát của xã hội, công khai, minh bạch” – TS Khuyến nhấn mạnh.
Sai phạm ở khâu chấm thi?
Trả lời về việc, nhiều người cho rằng, có thể từ khi thi thử đến lúc thi thật, các thí sinh nỗ lực cố gắng và có kết quả tốt?
Ông Vĩnh cho hay, nếu vậy Hà Giang có thể cho 36 thí sinh khối A1 đạt trên 27 điểm thi lại cả 3 môn với mã đề tương tự: “Theo tôi, sai phạm ở chính khâu chấm thi.
Ở khâu coi thi, với đề thi năm nay, Hà Giang cũng khó tìm đủ người để làm hai môn Toán, Lý và tiếng Anh và “gà bài” cho học sinh, để giúp các em này đạt điểm mỗi môn từ 9 trở lên.
“Tôi đã nhiều năm chấm thi Đại học, tất nhiên là chấm thi tự luận. Đồng thời tôi cũng có quan sát kiểu chấm trắc nghiệm vì cùng chung hội đồng.
Về quy trình, khi quét bài thi của thí sinh, có 3 người gồm nhân viên máy tính, cảnh sát PA83 và một giám sát- thường là thư ký hội đồng thi.
Ba người này làm việc trong một phòng thi riêng biệt không ai được phép vào trong thời gian quét bài- trừ chủ tịch hội đồng chấm thi.
Đặt giả sử, nếu ba thành viên này thông đồng với nhau hoặc được sự chỉ đạo của Chủ tịch hội đồng thi, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra”, ông Vĩnh chia sẻ.
Qua trao đổi với PV, ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ với bộ máy hùng hậu, khi thanh tra còn khó phát hiện ra sai lầm ở đâu, do đâu và tiền chạy về đâu.
Việc thanh tra sai trái trong thi trắc nghiệm để tìm ra chứng cứ còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT quyết tâm, muốn làm trong sạch nền giáo dục, nên mời cơ quan điều tra của Công an tham gia”.
Bộ GD&ĐT nên thực hiện chấm thẩm định
Chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội cho biết, trong trường hợp ở Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GDĐT nên thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi của một hoặc một số Hội đồng thi.
Được biết, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GDĐT do Cục trưởng Cục KTKĐCLGD làm Chủ tịch; Phó Cục trưởng hoặc Phó Vụ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được chọn làm Phó Chủ tịch; ủy viên, thư ký là lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ và một số thành viên là những cán bộ, giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn tốt.
Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GDĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.
|
Mỹ Hà - Thái Bình (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.