Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại

Thứ bảy, ngày 12/11/2022 09:57 AM (GMT+7)
Do điều kiện sinh hoạt quá khó khăn, thiếu thốn, thậm chỉ cả nước sinh hoạt cũng không có nên chỉ có các nam giáo viên với tình yêu thương học trò vô bờ bến mới đủ dũng cảm để ở lại đồng hành cùng lũ trẻ.
Bình luận 0
Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 1.

Điểm trường Lũng Mần nằm trong bản có đường biên giới giáp với Trung Quốc.

Điểm trường xa xôi

Nằm cách xa trung tâm TP.Cao Bằng hơn 200km, Bảo Lâm là 1 trong những huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng. Trong đó, Đức Hạnh chính là xã xa xôi nhất về phía Bắc, giáp biên giới Trung Quốc.

Từ trung tâm thị trấn Pác Mầu, để đến với điểm trường Lũng Mần - Trường Tiểu học & THCS Đức Hạnh, PV mất tới hơn 3h đồng hồ vật lộn trên cung đường dốc ngược khúc khuỷu, cua giật tay áo giữa núi non hiểm trở.

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 2.

Vì điều kiện nơi đây khó khăn nên đặc điểm riêng là điểm trường không cô giáo.

Dừng chân tại điểm trường Lũng Mần, đón PV là 5 thầy giáo với nụ cười tươi tắn cùng câu nói "ở đây chỉ mấy anh em thôi, không có cô nào cả đâu".

Theo chia sẻ của các thầy giáo, bản Lũng Mần có khoảng 92 nóc nhà (hộ dân) đang sinh sống, với 100% bà con người Mông, trong đó chỉ khoảng 10 - 15% thành thạo tiếng phổ thông.

Thầy Hà Thành Nhân (SN 1991) được phân công phụ trách khối lớp 1 - khối đông nhất với 28 em, vui vẻ cười nói: "Nhận công tác về đây, mình lâm vào nhiều cảnh dở khóc, dở cười lắm. Dạo đầu học sinh không thể nói tiếng phổ thông, nói gì các em nhắc lại y nguyên. Tôi hỏi - em tên gì, học sinh cũng nhắc lại - em tên gì".

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 3.

100% người dân nơi đây là đồng bào người Mông, chỉ có phần nhỏ nói được tiếng phổ thông.

Cũng theo thầy Nhân, khi các học sinh thấy những cuốn sách có hình minh họa, các em hồn nhiên gọi nhau trong lớp học nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông khiến thầy giáo chỉ biết đứng nhìn.

Tiếp nối câu chuyện cùng PV, thầy Nông Văn Phán (SN 1970) trầm giọng: "Cũng bởi cả bản khó khăn về nước sinh hoạt nên các em học sinh ở đây mặt em nào, em đó nhem nhuốc, đen nhẻm. Nhiều khi quần áo hôm nay phát mới, sang ngày mai đã ngả màu".

Là giáo viên có năm gắn bó với điểm trường trong thời gian lâu nhất, khi được hỏi lý do tại sao lại gắn bó với các học sinh nơi bản nghèo lâu như vậy, thầy Nông Văn Phán cười hiền: "Yêu lũ trẻ, một phần cũng là nhiệm vụ, cứ làm hết mình rồi dần dần cũng chỉ muốn ở đây dạy dỗ các con chứ không muốn đi đâu".

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 4.

Thức ăn đều được các thầy mang từ ngoài trung tâm xã rồi gửi một số hộ dân để có thể sử dụng trong 1 tuần.

"Không cô giáo"

Anh Vừ Mí Sang (35 tuổi, có con đang theo học lớp 3 tại điểm trường) chia sẻ: "Có các thầy về dạy chữ, trẻ con biết nói tiếng phổ thông, biết viết chữ, thấy người lạ không chạy, không khóc như trước kia nữa. Dân bản cũng rất biết ơn các thầy".

Lũng Mần những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, đường xá bắt đầu được nâng cấp mở rộng, những nếp nhà vách gỗ quanh năm gió lùa làm lớp học trước kia nay đã được thay bằng dãy nhà xây 5 phòng học kiên cố, kín gió.

Chỉ tay về phía núi thấp hơn, thầy Phán chia sẻ: "Trước kia, anh em ở trên này vất vả lắm, quần áo mặc cả tuần, gom lại rồi xuống dưới thấp, chỗ nào có nước sông thì giặt, phơi rồi lại ngược dốc đi lên. Dạo trước, đường xá chưa có, để đến được điểm trường có khi phải đi bộ hơn chục km, mất cả ngày mới đến nơi".

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 5.

Dù điều kiện sinh hoạt vất vả nhưng mỗi người thầy đều mang trong mình sự lạc quan.

Khi được hỏi ở điểm trường xa xôi khi buồn chán sẽ làm gì, cả 5 thầy giáo đều chung câu trả lời: "vớt sóng điện thoại, gọi về cho gia đình".

Mỗi dịp ngày lễ 20.10, 8.3, 20.11... các thầy cũng không mấy khi về nhà, đa phần ở lại điểm trường, 1 - 2 người sẽ về điểm trường chính tham gia văn nghệ.

Sóng điện thoại tại Lũng Mần lúc có lúc không, chập chờn khiến nhiều cuộc gọi về với gia đình của các thầy cũng ngập ngừng, ngắt quãng theo...

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 6.

Bữa ăn bán trú đạm bạc với mì tôm không của gần 100 học sinh tại điểm trường Lũng Mần.

Những buổi ăn bán trú, các thầy tất bật nấu mì tôm cho những em lớp bé, đôn đáo hướng dẫn các em khối lớn hơn nấu. Những người thầy ít phút trước còn có phần nghiêm khắc trên bục giảng, giờ đây như hóa "mẹ hiền" tất tả lo bữa ăn cho bầy con trẻ.

Theo ông Vừ Mí Già - Trưởng bản Lũng Mần, xã Đức Hạnh, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hạn chế trong trồng trọt, chăn nuôi và thiếu cả nước sinh hoạt. Bởi lẽ đó, chỉ có các thầy mới đủ dũng cảm đồng hành, giúp đỡ các con nhỏ trong bản được học con chữ.

Điểm trường quá xa xôi và khó khăn, chỉ có giáo viên nam dám ở lại - Ảnh 7.

Dù chỉ là bát mì tôm đạm bạc nhưng tất cả các em ở đây đều phấn khích và hạnh phúc khi có bữa ăn thay thế món quen thuộc là mèn mén.

Cũng theo vị Trưởng bản Lũng Mần, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên không thể giúp đỡ các thầy quá nhiều, chỉ thi thoảng giúp các thầy 1 - 2 mớ rau hoặc vài can nước khi thời điểm khô hạn chứ không thêm được gì nhiều.

Ông Lục Văn Thế - Phó Hiệu trường Trường TH&THCS Đức Hạnh - cho biết: "Điểm trường Lũng Mần nằm ở khu vực giáp biên giới, điều kiện về vật chất, kinh tế còn nhiều khó khăn nên đặc thù chỉ có các thầy dạy học tại đây. Trong năm, đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến các điểm trường khó khăn như Lũng Mần khi được các đoàn tự thiện ghé thăm, tặng quà".



An Trịnh - Trần Trọng (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem