Hoãn tổ chức thi IELTS: "Đây chỉ là văn bản chỉ đạo, không phải cấm?"
Việc các đơn vị tạm dừng tổ chức thi IELTS đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng vì các kỳ thi cũng như chuẩn bị hồ sơ du học đến gần.
Liên quan đến việc này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Bộ GDĐT không phải ra quy định cấm hay hạn chế tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài ở Việt Nam. Bộ đang chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu tăng cường công tác quản lý về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ".
Theo luật sư Cường, thời gian gần đây Việt Nam đã quan tâm, chú trọng nhiều hơn về đào tạo ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và người lao động. Rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ được ban hành, sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh quy định về điều kiện ngoại ngữ khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch đối với người lao động và điều kiện cho học sinh, sinh viên ở các bậc học, cấp học.
Tuy nhiên, nhiều người tìm cách đối phó, đi học, đi thi để cho có, cho đầy đủ hồ sơ dẫn đến tình trạng lộn xộn trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ. Vấn đề này cũng đã được báo chí dư luận phản ánh nhiều, thậm chí được bàn thảo trong nghị trường Quốc hội nhưng cho đến nay việc quy định về điều kiện năng lực ngoại ngữ trong học tập, lao động ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.
"Một quy luật tất yếu là "có cầu thì sẽ có cung". Không phải ai cũng có thời gian để đi học ngoại ngữ và cũng không phải ai cũng có năng lực về ngoại ngữ, đặc biệt là những người lớn tuổi. Chính vì vậy nhu cầu được học dễ, nhanh cấp chứng chỉ rất lớn. Xuất phát từ điều đó, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về ngoại ngữ đã có những liên kết, xây dựng cơ sở tổ chức thi, cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
Theo quy luật, cơ sở, tổ chức nào thi nhanh, thi dễ, khả năng đỗ cao thì sẽ thu hút được các học viên. Chính vì vậy đã có sự chạy đua về thủ tục điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ. Không ít những tổ chức, cá nhân đã vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này như cấp chứng chỉ giả, gian lận, lừa đảo... Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài nhưng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...)
Cũng theo luật sư Cường, công tác quản lý đối với vấn đề tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ở Việt Nam trong những năm qua còn nhiều tồn tại. Quy định về điều kiện ngoại ngữ trong học tập, làm việc cũng chưa hợp lý dẫn đến lãng phí thời gian, tiền của, công sức của người học, người lao động. Bởi vậy, Bộ GDĐT cần phải có những tổng kết, nghiên cứu, đánh giá cụ thể về vấn đề này để tăng cường công tác quản lý, đưa ra những quy định khoa học, hợp lý đảm bảo tính hiệu quả.
Thí sinh có đòi lại được tiền?
Về việc nếu đơn vị tổ chức ôn luyện và thi chứng chỉ IELTS bị dừng vì không đạt yêu cầu thì thí sinh có được hoàn phí không, luật sư Cường khẳng định: "Học sinh sẽ được bảo lưu số tiền đến khi mở trở lại hoặc có thể thanh lý hợp đồng nhận lại tiền. Đây là quan hệ nhân sự giữa người học với đơn vị tổ chức đào tạo hoặc liên kết sát hạch".
Liên quan đến việc cấp phép tổ chức thi IELTS hiện nay, theo Bộ GDĐT, Bộ đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GDĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định tạm dừng thi IELTS - VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.