Điểm xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Ngành "hot" điểm thấp lè tè

Tùng Anh Thứ hai, ngày 15/08/2016 06:22 AM (GMT+7)
Ngay sau khi hết hạn nộp hồ sơ đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ, ngày 13.8, hơn 100 trường ĐH đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Khảo sát cho thấy nhiều ngành điểm chuẩn đã giảm so với năm trước, đặc biệt có nhiều ngành “hot” điểm chuẩn chỉ xấp xỉ ngưỡng sàn.
Bình luận 0

Ngành “hot” điểm cũng thấp... lè tè

Trường ĐH Hải Phòng có 33 ngành đào  hệ ĐH thì có tới 26 ngành lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn (15 điểm), ngành lấy điểm cao nhất là sư phạm tiếng Anh điểm chuẩn cũng chỉ dừng lại ở 21,5 điểm.

Tương tự, ĐH Hồng Đức chỉ có 4 ngành đạt mức điểm cao nhất 17 điểm là sư phạm toán, ngữ văn, tiếng Anh và kế toán; 3 ngành luật, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non có mức điểm 16, tất cả các ngành còn lại chỉ lấy điểm 15; ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.Hồ Chí Minh có điểm chuẩn cho tất cả các ngành đào tạo là 15, các ngành có môn tiếng Anh nhân đôi điểm trúng tuyển cũng chỉ dừng ở mức...18 điểm.

img

Thí sinh đăng ký xét tuyển tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh

Khối trường nông – lâm – ngư mức điểm cũng không khá hơn. Cụ thể, trong số 26 ngành đào tạo hệ đại học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 14 ngành lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GDĐT, 2 ngành lấy mức điểm 15,5. Điểm cao nhất thuộc các ngành công nghệ thông tin, chăn nuôi, công nghệ rau – hoa quả và cảnh quan lấy mức điểm từ 18,25 đến 18,5 điểm. Tương tự, ĐH Lâm nghiệp chỉ riêng khối V00 (toán, lý, vẽ mỹ thuật) lấy điểm đầu vào là 17 còn tất cả các khối thi khác điểm trúng tuyển chỉ bằng sàn...

Đáng lưu ý nhất là trường hợp điểm trúng tuyển ngành y khoa và dược học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Đây là năm đầu tiên trường này được phép tuyển sinh ngành y, dược với 200 chỉ tiêu y đa khoa và 200 chỉ tiêu ngành dược nhưng điểm trúng tuyển của trường lại chỉ là 18 điểm.

Mức điểm này quá thấp với các trường đào tạo y, dược khác như ĐH Y Hà Nội (27 điểm ở cơ sở Hà Nội và 24,5 điểm ở cơ sở Thanh Hóa), ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh (điểm trúng tuyển thấp nhất 24-25, cao nhất là 26,75), các trường khác như Học viện Quân y, ĐH Y Thái Bình, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Y dược Huế... cũng có mức điểm chuẩn thấp nhất là 24 điểm. Với mức điểm trúng tuyển như vậy, nhiều người tỏ ra khá lo ngại với chất lượng đào tạo y, bác sĩ, dược sĩ của trường ĐH này trong tương lai.

Đau đầu ra điểm chuẩn

Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường lấy điểm thấp hơn so với các năm trước hoặc bằng sàn là do với phương thức tuyển sinh như năm nay việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển khá vất vả và chứa nhiều rủi ro.

Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT phân tích, năm nay thí sinh được nộp 2 ngành của 2 trường cùng lúc và sẽ có nhiều trường hợp trúng tuyển cả 2. Lãnh đạo các trường phải “căng não” xác định điểm trúng tuyển sao cho tuyển được thí sinh điểm tốt nhất có thể, vừa đủ chỉ tiêu.

“Nghịch lý là, lấy điểm trúng tuyển thấp để dự phòng thí sinh ảo không đến, nhưng trường hợp thí sinh đến nhập học đông, trường sẽ rơi vào cảnh tuyển quá chỉ tiêu và bị phạt. Ngược lại, nếu lấy điểm trúng tuyển cao, thí sinh đến nhập học ít, trường không đủ chỉ tiêu lại phải tuyển đợt 2. Đợt 2 sẽ phải hạ điểm xuống. Trong trường hợp này rất có thể thí sinh trượt đợt 1 tiếp tục đăng ký đợt 2 sẽ đậu” – ông Tùng phân tích.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng cho rằng, mùa tuyển sinh năm nay, đối với các trường là... bất ngờ đến phút chót. “Các trường nhận hồ sơ nhưng không biết thí sinh này được bao nhiêu điểm, có chắc chắn nộp vào trường mình không. Cho đến khi biết được dữ liệu từ Bộ GDĐT về lượng thí sinh và điểm thì phải cân nhắc tính toán để đưa ra điểm chuẩn phù hợp, nhưng đưa ra điểm chuẩn rồi cũng chưa biết được mình tuyển được bao nhiêu em đợt 1 cho đến ngày 19.8” – lãnh đạo một trường ĐH cho biết. Cũng theo vị này, các trường mà cảm thấy lượng hồ sơ xét tuyển vào trường mình đợt 1 quá ít sẽ chọn phương án an toàn nhất là lấy điểm bằng sàn để đủ chỉ tiêu.

Ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, các trường sẽ có 5 ngày chờ đợi để biết mình tuyển được bao nhiêu em đợt 1, từ đó sẽ có phương án xét tuyển các đợt sau.

“Từ ngày 14-19.8, thí sinh bắt buộc phải xác nhận sẽ học ở trường nào bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đó. Những thí sinh không nộp sẽ được coi như không có nguyện vọng học và trường sẽ không gọi thí sinh đó vào nhập học” – ông Nghĩa nói.

Ngoài bản chính giấy công nhận kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh nên mang theo giấy tờ tùy thân như: Hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân để nhà trường đối chiếu thông tin cá nhân…Khi đã nộp bản chính kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 thì coi như là các em đã chính thức xác nhận được học ở trường ĐH đã trúng tuyển” .

Ông Trần Văn Nghĩa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem